Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình – Keith Ferrazzi

Lần cập nhật gần nhất March 3rd, 2020 – 01:54 pm

Giá gốc 112.000 | Tiki 78.127 | Fahasa 91.840

“Đừng bao giờ ăn một mình”, không đơn thuần là xét về việc đi ăn một mình hay với nhóm bạn mà ở đây tác giả muốn mang đến đọc giả ý nghĩa sâu xa hơn đó là không nên để cái tôi quá lớn. Đại ý cuốn sách nói về sự gắn kết đối với con người. Có được kỹ năng kết nối được với con người bạn sẽ có nhiều cơ hội làm việc và thực hiện được những gì mình muốn. Trong cuộc sống, đôi lúc bạn không cần nhờ vả ai, tốt thôi “I’m fine” nhưng điều đó không tốt khi trải qua tình trạng “một mình” quá dài, ít ra bạn vẫn tự mình giải quyết mọi chuyện, không được chia sẻ thành tựu hay khó khăn với người xung quanh. Cuốn sách Đừng bao giờ đi ăn một mình sẽ giúp bạn có cái nhìn khác về thế giới, mở lòng hơn với mọi người xung quanh và cùng nhau thành công.

Đừng bao giờ đi ăn một mình Ebook

Review (2)

Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình (Never Eat Alone) là những kinh nghiệm về cách thức xây dựng, phát triển và tận dụng những mối quan hệ mà FERRAZZI – một “người nối kết bậc thầy” đúc kết được trong suốt cuộc đời ông cũng như trong sự nghiệp kinh doanh của mình.

Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình, cùng với “Đắc Nhân Tâm” của Dale Carnegie là hai quyển sách bất hủ và kinh điển về giao tiếp ứng xử và mở rộng mối quan hệ.
____________________________________
“Quan hệ cá nhân chính là chìa khóa để mở cửa”

Trong thế giới không ngừng kết nối và chia sẻ, “mạng lưới” quan hệ và thông tin đóng vai trò quan trọng quyết định thành công của một con người, và có lẽ đang dần lấn át (nhưng không phủ định) tầm quan trọng của khả năng chuyên môn. Mối quan hệ của bạn càng rộng thì bạn càng có nhiều thông tin. Nói cách khác, giá trị của bạn phụ thuộc vào độ “bao phủ” của “mạng lưới” mà bạn đang có.

Những mối quan hệ mà ông đề cập đến trong đây không phải là những mối quan hệ xã giao bình thường như cái “ cách mà những con cá chí chóe với nhau trong tấm lưới” mà là mối quan hệ sâu sắc và tin cậy. Với ông, cốt lõi của mối quan hệ bền chặt là sự chân thành, tin tưởng lẫn nhau. Nói về chân thành, mình từng nghe một câu như thế này: “Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim”. Đa phần những gì đọng lại trong ấn tượng mỗi người không phải lời nói mà là những hành động xuất phát từ sự chân thành giản dị.

“Công cụ điện tử chỉ có ưu thế về thời gian và tính ngắn gọn. Nó có thể giúp việc giao tiếp nhanh gọn hơn, nhưng nó không thể hiện được hiệu quả khi cần kết bạn”

Câu nói của ông khiến mình giật mình cảnh tỉnh bản thân và xác định lại vai trò của thiết bị công nghệ đối với đời sống chúng ta. Thời đại công nghệ phát triển cũng là lúc chúng ta trở nên lười giao tiếp trực tiếp và thể hiện cảm xúc, chúng ta sợ những ánh mắt soi mói như thể sắp lột trần và phơi bày những mặt xấu của ta ra. Cũng vì thế phía sau màn hình điện tử là nơi trú ngụ an toàn nhất và việc gì phải thể hiện cảm xúc khi đã có những Emoji và Sticker thay ta làm điều đó? Tại hội nghị TED, Sherry Turkle cũng đã phát biểu: “We are drawn to sacrifice conversation for mere connection”. Chúng ta đã quên rằng ngôn ngữ- từ thuở sơ khai là phương pháp hữu hiệu nhất để truyền đạt cảm xúc và trao đổi mục tiêu.

“Tất cả chúng ta đều được sinh ra với những đặc điểm cần thiết để trở thành bậc thầy trong quan hệ xã giao”.

Có lẽ mọi người, kể cả mình, cũng đã từng cảm thấy lo sợ khi bước vào một căn phòng đầy người với những gương mặt chưa từng gặp qua. Ông đã đưa ra một góc nhìn khác: xem nó như một “sân thi đấu” với vô số cơ hội mới. Như ông nói: “khi bạn nhận ra rằng công cụ để làm quen chỉ là những từ ngữ tận đáy lòng thì hành động làm quen bắt chuyện không còn đáng sợ nữa”.

Ở những chương cuối của sách, ông đưa mình đến một ý kiến rất ngạc nhiên, mới mẻ: việc xây dựng mối quan hệ với cộng đồng, với người khác là góp phần xây dựng quan hệ với chính bản thân, giúp bạn tìm ra và củng cố mục đích sống của mình. Bởi lẽ: Ý nghĩa cốt lõi của sự sống chính là hạnh phúc chúng ta đem lại cho người khác và Người có giá trị nhất là người giúp cho đồng loại mình được nhiều nhất.

– Anh Thi

Hãy bắt đầu công việc gây dựng và tìm cho mình những mối quan hệ thật vững chắc ngay từ bây giờ. Bạn nói bạn chỉ là một nhân viên bình thường trong công ty thì gây dựng làm gì một mạng lưới quan hệ vững chắc chứ. Bạn có chắc bạn sẽ là một nhân viên bình thường trong một vài năm nữa hay không? Một nhân viên bình thường có thể trở thành một nhân vật đầy quyền lực nếu bạn thật sự chăm chỉ và có cố gắng trong công việc. Và bạn biết cách nào là cách nhanh nhất để gây dựng một mối quan hệ hay không? Đó chính là thông qua ẩm thực. Cùng ngồi một bàn ăn, cùng trò chuyện trên bàn ăn là cách nhanh nhất để gây dựng một mối quan hệ. Nhưng hãy chắc chắn với tôi rằng, cuộc trò chuyện đó không hề dính dáng đến rượu bia nhé. Rượu vào lời ra và những lời nói đó thực sự không hề đáng tin đâu.

Từng bước từng bước một xây dựng các mối quan hệ của chính bản thân mình. Nếu có thể hãy tìm một người dẫn dắt bạn đến với những mối quan hệ. Và trước khi tìm và gây dựng các mối quan hệ, bạn cần phải chắc chắn là mối quan hệ bạn đang gây dựng là tốt. Bạn sẽ không muốn gây dựng một mối quan hệ với người xấu đâu phải không nào. Nó không những không giúp ích gì cho công việc cũng như cuộc sống của bạn mà có khi một lúc nào đó chính mối quan hệ đó sẽ khiến bạn gặp phải những khó khăn còn kinh khủng hơn nhiều.

Nhưng đâu chỉ gây dựng rồi để đấy phải không nào? Một mối quan hệ cần được hâm nóng hàng ngày để có thể hiểu nhau và sẵn sàng giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Tất nhiên thời gian là có hạn, chúng ta không thể hàng ngày gặp nhau nhưng nếu biết cách sắp xếp thời gian một các hợp lý, bạn vẫn sẽ có cách để giữ vững các mối quan hệ của mình. Đôi khi đơn giản chỉ là một tin nhắn hỏi thăm sức khỏe, một cuộc gặp gỡ ở quán café, một cuộc gọi điện thoại hay đơn giản chỉ là một email cũng đủ để làm ấm lòng đối phương. Hãy biết tận dụng thời gian sao cho phù hợp với cả hai bên để các mối quan hệ không trở nên “xa mặt cách lòng”.

Bạn đâu biết khi nào bản thân cần sự giúp đỡ từ những người khác, chính vì vậy, hãy luôn cố gắng giữ vững và cải thiện mạng lưới quan hệ của mình bất cứ khi nào bạn nhé.

“Hãy bắt đầu gieo hạt ngay từ hôm nay và bạn sẽ không ngờ đến những kho báu ngay trong sân sau nhà mình.”

Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi đang gặp khó khăn với công việc hiện tại và chỉ với một cuộc điện thoại, bạn có thể tìm thấy một công việc phù hợp với bản thân. Điều đó thật tuyệt vời phải không? Thay vì phải nghỉ việc và thất nghiệp một thời gian để tìm thấy công việc mới. Với những mối quan hệ, bạn vừa có thể hoàn thành công việc cũ trong khi chờ cơ hội mới đến mình. Điều đó chẳng phải tốt hơn không phải không nào?

Giờ đây bạn không còn ngại ngần khi tiếp xúc với bất kì ai, ai trong xã hội này cũng đều có sự liên kết với nhau. Đừng cảm thấy khó khăn, chỉ cần một chút chân thành và một chút tinh tế, bạn có thể kết thân với bất cứ ai. Đừng cảm thấy sợ hãi, xã hội bây giờ không còn như ngày xưa nữa rồi. Bây giờ là xã hội của sự kết nối, chúng ta cần kết nối với nhau không chỉ để một người thành công mà còn là sự thành công của cả một tập thể.

Cho đi và nhận lại luôn đi song song với nhau. Hãy cho đi rồi bạn sẽ nhận lại những thứ tương đồng có khi còn hơn cả những thứ bạn được nhận. Bạn mong muốn nhận được những thứ mình mong muốn. Vậy bạn hãy cho đi những thứ mà bạn có thể làm cho họ. Điều đó sẽ không chỉ mang đến lợi ích mà có khi còn mang đến cho bạn những người bạn lâu dài.

– Sachdenroi

Trích dẫn

“Thay đổi là một quá trình gian nan. Bạn có thể phải mất đi những người bạn, đối mặt với những chướng ngại tưởng chừng không thể nào vượt qua, và chiến đấu với một rào cản lớn nhất – sự nghi ngờ của bản thân.”

“Chọn lựa ở đây không phải giữa thành công và thất bại; mà là chọn lựa giữa một bên là liều lĩnh và đạt đến vĩ đại, và một bên là không dám rủi ro và chỉ mãi ở mức tầm thường.”

“Những người giỏi nhất là những người không cố tình tạo mối quan hệ, họ kết bạn. Họ được nhiều người ngưỡng mộ và tin tưởng chính bởi vì họ có những cử chỉ thân thiện với tất cả mọi người. Họ tạo dựng được một cộng đồng những người ủng hộ mặc dù đây không phải là mục đích của họ mà chỉ là một kết quả tất yếu.”

“Khi phải gọi trực tiếp cho một người mà tôi chưa từng trò chuyện qua bao giờ, tôi thường cố gắng gọi vào một giờ không bình thường. Một người bận rộn thường có nhiều khả năng nhấc điện thoại lúc 8h sáng hay 6h30 tối. Thêm vào đó, lúc này họ không quá căng thẳng vì những áp lực công việc.”

“Khi chúng ta kết thúc một cuộc nói chuyện mang tính hình thức, không tự nhiên, ngập ngừng do chúng ta không dám bộc lộ mình, chúng ta tự an ủi mình bằng cách đánh giá thấp cuộc gặp gỡ này, hoặc nhiều khi là đánh giá thấp người đối diện bằng lối suy nghĩ “đằng nào thì giữa mình với họ cũng không có điểm gì chung”

“Tôi thường áp dụng một kỹ thuật rất hữu ích là cố gắng tưởng tượng mình là tấm gương phản ánh người tôi đang tiếp chuyện. Giọng điệu nói chuyện của họ như thế nào? Họ nói chuyện lớn tiếng hay nhỏ nhẹ? Ngôn ngữ hình thể của họ thể hiện như thế nào? Khi bạn tự điều chỉnh mình thành một tấm gương của người kia, họ sẽ tự động cảm thấy thoải mái hơn. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là bạn không thành thật. Trên thực tế, nó thể hiện bạn đặc biệt nhạy cảm trước tính khí của người khác. Và bạn chỉ hơi biến đổi phong cách của mình một chút để đảm bảo cho cánh cửa vẫn rộng mở.”

“ Hãy thể hiện sự quan tâm thật sự đến người khác
Hãy biết cách lắng nghe. Khuyến khích người khác tự nói về bản thân họ
Hãy nhường cho người khác được nói thật nhiều.
Mỉm cười
Nói những gì người khác muốn nghe
Khen ngợi thành thật và thẳng thắn.”

“Nên nhớ, khi người ta tuyển dụng, người ta không chỉ tuyển người họ thích, họ còn mong muốn tìm được một người có thể giúp họ và công ti ngày càng đi lên. Điều này đồng nghĩa với tìm kiếm một người có một cái nhìn rộng mở về thế giới. Điều này có nghĩa là bạn phải chú ý đến tài sản trí tuệ của mình, và những gì mình nói ra liệu có mang lại lợi ích cho người khác hay không. Lời nói của bạn thể hiện sự quan tâm, tích cực đóng góp vào thế giới quanh mình.”

“Bạn không thể làm công việc có ý nghĩa, thay đổi thế giới, trừ khi bạn phải kiên trì học hỏi, phát triển và thử thách những kỹ năng của mình. Nếu bạn muốn người khác xác định lại giới hạn công việc của bạn cũng như vị thế của bạn trong công ti, chính bạn phải là người đầu tiên nới rộng giới hạn của mình. Điều này có nghĩa là bạn phải làm nhiều hơn được yêu cầu. Điều này có nghĩa là mỗi năm bạn phải thêm được nhiều ý vào trong bản tóm tắt quá trình làm việc. Điều này có nghĩa là bạn phải biết vận dụng những nối kết trong và ngoài mạng lưới để giúp bạn hoàn thành những dự án được giao một cách xuất sắc.”

“Làm được việc không thôi chưa đủ. Bạn phải làm được việc và kêu gọi sự ủng hộ của những người xung quanh, không phải chỉ tham gia một phần trong quá trình làm việc mà tham gia cả vào quá trình lãnh đạo.”

“Sự kiêu hãnh là một căn bệnh có thể phản bội lại bạn, làm cho bạn quên đâu là những người bạn thật sự và tại sao họ lại quan trọng đối với bạn đến thế. Ngay cả khi bạn có ý định tốt, nếu bạn quá kiêu căng thì người ta cũng bực mình và muốn đưa bạn về đúng chỗ của mình.

“Trong qúa trình trèo lên đỉnh núi, phải biết khiêm tốn. Giúp đỡ người khác cùng leo lên núi với bạn và trước bạn”

“Khi bạn mất cân bằng, bạn sẽ nhận thấy ngay vì mình bị hối hả, giận dữ, thấy thiếu ý nghĩa. Khi bạn cân bằng, bạn vui tươi, hăng hái và đầy hàm ơn”

“Tâm hồn chúng ta không khao khát danh vọng, của cải hay quyền lực, những thứ đó mang đến cùng với nó rất nhiều vấn đề. Tâm hồn chúng ta khao khát ý nghĩa, cảm giác chúng ta đã tìm ra cách sống một cuộc đời có ý nghĩa để làm thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn mỗi khi chúng ta đi qua.”

“Một cuộc đời nhiều nối kết giúp bạn có cái nhìn khác. Cuộc sống không phải là một cuộc chinh chiến mà là một cái chăn ghép mảnh thật to. Chúng ta tìm thấy ý nghĩa, thấy tình yêu, sự thịnh vượng khi chúng ta chung tay thắt chặt những nỗ lực táo bạo của mình để giúp mọi người tìm thấy con đường cho cuộc đời họ. Mối quan hệ chúng ta thiết lập giống như một hình mẫu phức tạp và liên tục.”

Tóm tắt

Không sớm thì muộn, những kẻ “đi ăn một mình” cũng sẽ đạt đến cực hạn và sự nghiệp sẽ chững lại.

Trong Đừng đi ăn một mình, Keith Ferrazzi, một doanh nhân thành đạt đồng thời là chuyên gia marketing sẽ tiết lộ cho chúng ta những bí quyết để thành công trong việc kết nối với mọi người. Tác giả tập trung xây dựng những mối quan hệ lâu dài thay vì chỉ trao đổi danh thiếp như nhiều người vẫn nghĩ về việc networking hiện nay. Tác giả tổng kết những phát hiện thông qua một hệ thống các phép thử.

Ai nên đọc cuốn sách này?

  • Bất cứ ai muốn biết điều gì làm chúng ta kết nối tốt
  • Bất cứ ai muốn biết phương pháp tốt nhất để đạt được mục tiêu
  • Bất cứ ai muốn nhận được những lời khuyên nghề nghiệp và phát triển kĩ năng mềm.

Tác giả cuốn sách là ai?

Keith Ferrazzi đã tự nâng tầm bản thân, khởi đầu một cách khiêm tốn rồi tiến đến những trường đại học hàng đầu như Harvard và Yale, rồi từ đây trở thành một trong những chuyên gia marketing được săn đón nhất nước Mỹ. Mạng lưới của ông trải từ Washington đến những giám đốc quyền lực nhất nước Mỹ, đến cả những tên tuổi hàng đầu Hollywood. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Ferrazzi ông được đánh giá là một trong những “Nhà lãnh đạo tương lai”.

1. Xây dựng mạng lưới cá nhân là điều kiện tiên quyết để thành công trong sự nghiệp

Chúng ta đều dựa vào người khác để đạt được mục tiêu và biến ước mơ thành hiện thực.

Không một ai có thể thành công lâu dài nếu không có tư duy kết nối và được người khác giúp đỡ. Không sớm thì muộn, những kẻ cô độc cũng sẽ đạt đến cực hạn và sự nghiệp sẽ chững lại.

Cố gắng xây dựng sự nghiệp thành công mà không màng đến một mạng lưới quan hệ mạnh giống như xây nhà mà không dùng cát. Nền móng của bạn sẽ yếu dần theo thời gian và cuối cùng bạn sẽ nhận ra mình chìm dần chìm dần.

Nhưng chính xác là cái gì đã khiến việc kết nối quan trọng đến vậy?

Nghe thì có vẻ đương nhiên là thế, nhưng phải nhấn mạnh là những mối quan hệ cá nhân mở ra những cánh cửa. Một nghiên cứu kinh điển đã chỉ ra rằng trong cuốn sách “Làm thế nào để xin được việc” có viết trong 282 người đàn ông tham gia khảo sát thì có 56% đã có việc nhờ người quen, trong khi chỉ có 19% xin được việc thông qua quảng cáo việc làm và 10% là nhờ những sáng kiến của họ có tính ứng dụng.

Điều này hoàn toàn chính xác trong thời điểm suy thoái kinh tế, tỉ lệ biến đổi nhân sự và tính bất ổn của công việc cao, xây dựng mạng lưới càng quan trọng hơn bao giờ hết. Những người giỏi kết nối hiếm khi gặp khó khăn khi tìm việc.

Chúng ta đang làm việc trong một thế giới không ngừng thay đổi. Một trợ lí của ngày hôm nay có thể trở thành CEO vào ngày mai. Nếu bạn được nhiều người biết đến và quan trọng hơn là được nhiều người yêu mến, nếu bạn cho người khác thấy bạn hào phóng, thân thiện và hay giúp đỡ người khác thì cuối cùng, bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.

2. Bất cứ ai cũng có thể học nghệ thuật kết nối

Rất nhiều người lo sợ bị từ chối, và nỗi sợ này ngăn họ làm quen với người khác và do đó không xây dựng được quan hệ với ai.

Nỗi sợ bị từ chối không xa lạ gì với tất cả chúng ta và cũng không phải là điều gì đáng xấu hổ. Rất ít người là người giỏi kết nối bẩm sinh, có khả năng làm quen với người xa lạ và trở thành bạn với họ.

Tuy nhiên có một số cách có thể giúp người e dè nhất cũng có thể tiến những bước tiến lớn:

Học hỏi từ những người giỏi nhất. Đơn giản là ghi chép lại những gì một chuyên gia kết nối làm để tiếp cận người khác và để những phương pháp đó truyền động lực cho bạn.

Kiên trì học hỏi. Duy trì lối ứng xử đẹp và nâng cao khả năng hùng biện cũng giống như những kĩ năng chúng ta cần phải học theo hệ thống, ví dụ, bằng cách tham gia khóa học về giao tiếp và hùng biện.

Chẳng sớm thì muộn, bạn cũng phải quyết tâm hành động. Giống như mọi thứ trên đời, cách tốt nhất để học kết nối là thực hành. Thực hành sẽ rất hữu ích, ví dụ, hãy đặt mục tiêu cho bạn phải làm quen một người mới một tuần. Trải nghiệm và luyện tập từng chút một sẽ khiến cho việc xây dựng mạng lưới của bạn dễ dàng hơn.

Trường hợp của cha Keith Ferrazzi thể hiện rằng kết nối có thể rất dễ ở mặt này và rất khó ở mặt khác. Là một người lao động khiêm tốn, ông muốn làm nhiều điều hơn cho con trai. Do đó ông tiếp cận người duy nhất ông biết có thể giúp thực hiện điều này: Giám đốc của công ty. Nói cách khác, đó là sếp của sếp của sếp của sếp ông. Giám đốc rất ấn tượng với nỗ lực của ông đến nỗi ông ta đã trả tiền học phí cho Keith đi học tại ngôi trường tốt nhất nước.

3. Kết nối thành công dựa nên sự phóng khoáng và trung thành

Một người giỏi kết nối sẽ không bao giờ hỏi: “Người khác có thể giúp mình như thế nào?” thay vào đó anh ta sẽ hỏi: “Mình có thể giúp người khác như thế nào”

Tư duy căn bản đằng sau đó rất rõ ràng và đơn giản: bạn càng vui vẻ giúp đỡ người khác, người ta càng vui vẻ giúp lại bạn.

Tính phóng khoáng tạo nên lòng tin và sự thấu hiểu lẫn nhau. Nó thắt chặt và làm mối quan hệ của chúng ta và mọi người sâu sắc hơn, và rồi chúng ta sẽ nhận được gấp đôi, gấp ba những gì chúng ta đã bỏ ra.

Chúng ta không nên coi mỗi mối quan hệ là một khoản đầu tư ngắn hạn và trông chờ được giúp đỡ lại ngay tức khắc. Vì những mối quan hệ không phải là một đối tượng hữu hình, giống như một chiếc bánh sẽ nhỏ dần nhỏ dần mỗi khi ai đó cắt đi một phần, mà giống như những búi cơ: Chúng phát triển khi chúng ta tập luyện.

Những người vừa không phóng khoáng vừa không giúp đỡ người khác, chỉ muốn trao đổi danh thiếp và chỉ nghĩ đến việc lợi mình, họ sẽ phải trải qua nhiều khó khăn. Cách hành xử của họ đẩy họ xa khỏi mọi người, và không sớm thì muộn, họ cũng thấy mình rất cô độc. Ai mà thực lòng muốn hợp tác với người ích kỉ cơ chứ?

Để vượt qua thái độ chỉ biết mình và để tăng cường và thắt chặt những mối quan hệ với mọi người trong mạng lưới, bạn cần thể hiện sự trung thành với họ. Trung thành có thể thể hiện dưới nhiều hình thức: ví dụ bạn có thể quan tâm an ủi khi người khác vừa mới li hôn, bằng cách dành thời gian giúp ai đó dẹp bỏ những vấn đề họ không thể tự giải quyết. Trong một mối quan hệ lâu dài, nửa tiếng đồng hồ của bạn không lúc này thì lúc khác sẽ được hoàn lại bạn.

4. Một người kết nối siêu đẳng xây dựng mạng lưới trước khi họ cần đến nó

Một trong những chuyện hoang đường xung quanh việc xây dựng quan hệ là bạn nên tìm đến người ta chỉ khi bạn cần sự giúp đỡ.

Đây là một sai lầm tai hại, chẳng may là nó lại rất phổ biến. Điều này giống như thể bạn mua áo phao khi con tàu bắt đầu chìm.

Người giỏi kết nối tuân theo nguyên tắc hoàn toàn trái ngược. Bạn nên làm thân với mọi người trước khi bạn cần họ giúp đỡ. Làm như vậy khiến bạn xây dựng được lòng tin và sự thấu hiểu lẫn nhau – hai phẩm chất rất quan trọng để mạng lưới hoạt động hiệu quả. Không một ai thích không dưng bị phiền nhiễu – nói cách khác, không ai thích những người không thành thật, vô tâm, hoặc chăm chăm lợi dụng người ta để vụ lợi.

Người kết nối sẽ rất kiên nhẫn và xây dựng mạng lưới từng chút một. Cô ấy biết để tạo được sự tin tưởng của người khác, cô ấy sẽ phải bỏ công bỏ sức một chút mỗi ngày – bạn có thể nói rằng, cô ấy giống một người chạy marathon thay vì chạy nước rút. Phần thưởng sẽ không đến nhờ vào tốc độ mà nhờ sự bền bỉ.

Bill Clinton đã nằm lòng nguyên tắc này trước khi ông trở thành Tổng thống. Khi còn là một sinh viên 22 tuổi, ông đã hình thành thói quen mỗi tối lại ngồi ghi chép lại tên của tất cả những người ông đã gặp trong ngày vào những tấm thẻ. Ông cần đảm bảo việc xây dựng những mối quan hệ dựa trên niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau, do đó đồng thời tạo nên mạng lưới tương lai.

5. Một người kết nối tìm kiếm chất kết dính quan hệ

Để làm thân với người khác, việc quan trọng không nằm ở số lượng thời gian bạn dành cho họ mà nằm ở cách bạn dành thời gian cho họ như thế nào.

Tình bạn và những mối quan hệ thân thiết được hình thành nhờ chất lượng của thời gian giữa hai người. Bạn nên chú ý nhiều đến chất kết dính quan hệ, nói cách khác, chú ý đến những nhân tố khiến cho một người trong danh bạ trở thành một người bạn đích thực hoặc mối quan hệ tin cậy.

Một ví dụ của chất kết dính quan hệ có thể là một mối quan tâm chung hoặc một hoạt động cả hai đều tham gia. Nó có thể là bất cứ thứ gì cả hai đều thích và có thể đưa đôi bên xích lại gần nhau, cho dù đó là thể thao, ẩm thực, sưu tầm tem, vé bóng chày, chính trị, lướt sóng.

Rời xa văn phòng làm việc và những email trang trọng, chúng ta trở nên thoải mái hơn, thật hơn và dễ tiếp cận hơn. Do đó, sẽ không còn có khoảng thời gian nào tốt hơn để kết thân với người khác hơn là những dịp mà họ đang vui vẻ thật sự.

Đương nhiên, trong những dịp đó, bạn cũng nên chuẩn bị để trở thành người ăn nói có duyên. Để làm việc này, bạn cần tuân theo một nguyên tắc cơ bản: cách tốt nhất để nói chuyện xã giao là không nói chuyện nhỏ nhặt. Thay vào đó, hãy tập trung nghe, thật lòng, mở lòng với người khác. Thay vì trao đổi những lời sáo rỗng, bạn lúc nào cũng nên chia sẻ chuyện gì đó thú vị và có tính cá nhân để tăng độ thú vị cho câu chuyện. Người kia sẽ nhớ bạn theo hướng tích cực và sẽ mong đợi mỗi cuộc gặp mặt tiếp theo.

6. Một người kết nối sẽ tự tạo tương tác và có lòng kiên nhẫn

Điểm chung giữa một ngôi sao Hollywood và một người kết nối giỏi là gì?
Để không biến mất hoàn toàn khỏi sân khấu, ngày nào cả hai sẽ chuẩn bị sẵn sàng để có thêm liên lạc và kết nối với mọi người.

Có vô vàn ví dụ về những người thành công có sự kiên trì và quyết tâm muốn có bất cứ cơ hội nào để mở rộng quan hệ.

Một CEO nói chuyện với ít nhất 50 người mỗi ngày. Thay vì chỉ là nhấc mình đi ra khỏi văn phòng và sử dụng điện thoại cho mọi cuộc nói chuyện, ông sẽ dành hàng giờ đi quanh quanh công ty và nói chuyện với những người thuộc mọi cấp bậc trong công ty.

Hillary Clinton là một minh chứng rõ ràng cho khả năng kiên nhẫn đến ấn tượng và quyết tâm phải trở thành người kết nối siêu đẳng. Keith Ferrazzi đã có thời gian đồng hành với bà khi bà còn là Đệ Nhất Phu nhân. Một ngày bình thường của bà sẽ bắt đầu từ 5 giờ sáng, gọi điện thoại, đọc tầm bốn, năm bài diễn văn, và sau đó tham gia vài tiệc cocktail cũng như đi thăm nhà mọi người. Trong một ngày hôm đó, bà đã bắt tay khoảng 2000 người – và bà cũng ghi nhớ tên của rất nhiều người đã gặp trong chuyến du lịch đó.

7. Một người kết nối có khả năng nói chuyện xã giao và truyền đạt một nội dung độc đáo

“Liệu mình có muốn dành một tiếng đồng hồ ăn tối với người này không?”
Hầu như tất cả mọi người đều tự hỏi như thế theo cách này hay cách khác khi họ gặp một người lần đầu tiên.

Điều này ứng với câu phân biệt cái tốt cái xấu, cái hay cái dở. Ai mà nói không ai muốn lắng nghe họ hoặc dành thời gian trao đổi thì không bao giờ có thể thành công xây dựng được mạng lưới mạnh và lâu dài những người sẵn sàng giúp đỡ anh ta khi cần.

Dưới đây là hai điểm mấu chốt nếu bạn muốn thu hút sự chú ý của người khác:

  • Biết phải nói gì: Bạn phải luôn giữ tâm thế phát triển cuộc thảo luận một cách thông minh xoay quanh nhiều chủ đề trong đó có chính trị, thể thao, du lịch, hoặc khoa học
  • Truyền đạt một nội dung độc đáo: Nếu bạn muốn làm xiêu lòng ai đó, bạn phải cho họ nhiều hơn là một cuộc nói chuyện vui vẻ hời hợt, bạn cần thứ gì đó làm bạn nổi bật – hơn là thứ khiến bạn xa rời mọi người. Nội dung cuộc trò chuyện độc đáo và hấp dẫn sẽ khiến người khác muốn trở thành một phần trong mạng lưới của bạn.

Nội dung đó có thể là một ý tưởng, một thói quen, một kĩ năng. Gì cũng được, miễn là nó khiến bạn trở thành học giả thông thái, một chuyên gia.
Làm thế nào bạn có được kiến thức chuyên môn đó và làm thế nào để truyền đạt lại nó đều phụ thuộc vào bạn – không có một hướng dẫn nào hiệu quả cho tất cả mọi người. Nhưng điều cần thiết là bạn đủ mở lòng, sẵn sàng học hỏi và mong muốn những điều tốt lành.

Ví dụ như Keith Ferrazzi trở thành chuyên gia marketing bằng cách tiếp nhận những ý tưởng marketing mới nhất, được những bộ não hàng đầu trong lĩnh vực này biết đến và đọc mọi thứ có thể về marketing. Cuối cùng, ông đã có thể áp dụng những kiến thức chuyên gia vào thực tế trong sự nghiệp.

8. Phát triển mạng lưới dựa vào những người siêu kết nối

Người siêu kết nối chỉ đơn giản là những người có hàng ngàn liên lạc. Điều ấn tượng về họ đầu tiên là số lượng liên lạc họ có, thứ hai là những liên lạc này đến từ mọi loại người.

Vào những năm 1960, nhà tâm lí học xã hội Stanley Milgram đã cho công chúng thấy quyền lực của những người này. Milgram đã gửi thư đến 160 người sống ở Omaha, Nebraska với lời yêu cầu họ chuyển lá thư này đến người môi giới chứng khoán ở Massachusetts. Tuy nhiên, họ không được gửi lá thư trực tiếp đến địa chỉ của người đó mà họ sẽ nhờ đến những người mà họ nghĩ có thể biết người môi giới kia.

Những lá thư này đã đến được tay người môi giới chứng khoán theo nhiều con đường khác nhau, trao tay vô số lần. Tuy nhiên, những người cuối cùng nhận lá thư là ba người có đặc điểm chung – đều là những người siêu kết nối. Họ là những người liên lạc rất quan trọng, và họ thông qua vô số mối quan hệ với những người thuộc đủ mọi tầng lớp, đã đưa lá thư đến cái đích cuối cùng.

Mặc dù người siêu kết nối có thể làm việc trong mọi lĩnh vực, họ thường làm trong một số lĩnh vực đáng chú ý như: Chính trị gia, người vận động hành lang; Nhà báo và người làm quan hệ công chúng; Quản lí quán bar và nhà hàng.

Những nghề này dường như rất phù hợp với người siêu kết nối, vì chúng giúp họ gặp gỡ vô vàn dạng người. Nếu bạn muốn tăng cường mạng lưới của mình, bạn nên cố gắng làm quen với những người thuộc những ngành nghề này.

9. Bạn chỉ có thể hi vọng vào thành công khi bạn thiết lập mục tiêu

Cho dù bạn muốn trở thành ai chăng nữa – Tổng thống, giám đốc điều hành hoặc vận động viên hàng đầu, bạn sẽ chẳng đời nào làm được điều đó nhờ tình cờ.

Thay vì thế, bạn phải đặt mục tiêu của đời mình rất rõ ràng và cụ thể, sau đó quyết định cách mà bạn sẽ làm để hoàn thành mục tiêu. Chỉ khi đó bạn mới có thể đưa ra quyết sách giúp bạn đạt được thành công.

Khi bạn bắt đầu đặt mục tiêu, hãy luôn tập trung tìm kiếm “ngọn lửa xanh” là điểm giao thoa của đam mê và năng lực của bạn. Vì thế nó rất quan trọng trong việc giúp chúng ta đưa ra những quyết định quan trọng về nghề nghiệp. Rất nhiều người đã làm những việc khiến họ cảm thấy không thực sự hài lòng để kiếm sống. Họ vịn vào lí do công việc mơ ước đòi hỏi những kĩ năng mà họ không có hoặc công việc đó không phù hợp với họ – những lí do chỉ khiến họ thêm bất mãn và mất vui. Ngược lại, những người theo đuổi đam mê và sử dụng đúng kĩ năng (tức ngọn lửa xanh của họ) sẽ không bao giờ gặp phải những vấn đề này.

Nếu bạn vẫn mông lung ngọn lửa xanh của mình là gì, bạn có thể làm một bài kiểm tra đơn giản. Đầu tiên, liệt kê tất cả những ước mơ và mục tiêu, cho dù chúng có nực cười hoặc vô vị ra sao. Sau đó lập thêm một danh sách những thứ bạn thích làm và khiến bạn hài lòng. Cuối cùng, kết hợp cả hai danh sách trên và khoanh vùng chỗ ước mơ và những điều bạn thích làm giao nhau.

Cuối cùng, bạn cũng có thể trao đổi với ai đó bạn thực sự tin. Điều gì ở bạn khiến người ta ngưỡng mộ? Họ cho rằng trong lĩnh vực nào thì bạn có thể có ích? Người ta đánh giá bạn có những điểm mạnh, điểm yếu nào? Khi nào bạn tìm ra ngọn lửa xanh và một công việc giúp bạn nhóm lên ngọn lửa đó, khi đó thế giới này sẽ nằm trong tay bạn.

10. Nếu bạn muốn đạt được mục tiêu, bạn sẽ cần đến Ke hoạch hành động xây dựng quan hệ

Không sứ mệnh nào biến thành thực tiễn chỉ sau một đêm. Cũng như khi bạn xây nhà, bạn cần có những công cụ và kế hoạch thích hợp.

Cả công cụ và kế hoạch đều nằm trong Kế hoạch Hành động Xây dựng Quan hệ. Bản kế hoạch này giúp chúng ta đạt được mục tiêu vì nó cung cấp một danh sách những việc cần làm để chúng ta biến thành thói quen hàng ngày và nó cũng thúc đẩy ta chủ động hoàn thành mục tiêu.

Bước đầu tiên trong kế hoạch là xác định mục tiêu dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Hãy nghĩ về những gì bạn muốn đạt được trong vòng ba năm, sau đó hãy lùi lại còn tầm ba tháng và một năm, tìm các mục tiêu tạm thời cho mỗi giai đoạn cho đến khi bạn kết thúc với một kế hoạch ba năm rõ ràng và có cấu trúc.

Bạn cần xây dựng mục tiêu A và B cho mỗi thời điểm. Nói như thế này, ví dụ, mục tiêu A của bạn là trong ba năm sẽ trở thành một giáo viên, mục tiêu B có thể là trở thành giáo viên làm việc tại khu vực mà bạn muốn sinh sống.

Với mỗi mục tiêu A và B, hãy viết nơi bạn muốn đến và công cụ bạn cần phải có trước khi có thể hoàn thành mục tiêu, cũng như tên của những người bạn nghĩ rằng có thể giúp mình một tay.

Phiên bản cuối cùng của kế hoạch nên mang tính cá nhân và chỉ áp dụng cho bạn, chẳng hạn như hoàn thành ước mơ. Một kế hoạch hành động hoàn chỉnh sẽ trở thành lực đẩy cho bạn. Nó khiến bạn nhìn thấy mục tiêu trước mắt, và cung cấp mọi thông tin bạn cần về việc cần đi đâu, cần làm gì, cần gặp ai trên chặng đường tiến đến “ngọn lửa xanh” của mình.

11. Nếu bạn muốn thành công, bạn phải có thương hiệu cá nhân

Xung quanh chúng ta đầy rẫy các thương hiệu. Chúng ta mặt đối mặt với chúng hàng ngày và chúng chịu trách nhiệm cho cách chúng ta tiếp nhận mọi thứ. Khi bạn nhìn thấy cái logo có ba sọc, bạn ngay lập tức nghĩ đến Adidas. Hình ảnh quả táo cắn dở được hình tượng hóa làm bạn nghĩ ngay đến Apple.

Tuy nhiên không phải chỉ có các công ty và sản phẩm mới có thể tạo thương hiệu – người bình thường nhất cũng có thể làm điều đó!

Vậy bạn cần làm như thế nào? Làm thế nào để bạn biến mình thành một thương hiệu?

Bước đầu tiên là phát triển thông điệp thương hiệu cá nhân. Để làm điều này, bạn hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau: Điều gì khiến mình nổi bật và khác biệt? Thế mạnh và điểm yếu của mình là gì? Thành tựu làm mình thấy tự hào nhất là? Mình làm gì để tạo ra cảm giác mình đáng để làm quen? Mình muốn người khác nghĩ gì về mình khi họ nghe tên mình và nhìn thấy tên mình? Mình muốn nổi tiếng về mặt nào?

Một khi trả lời được những câu hỏi đó, bạn sẽ có thể tạo dựng thông điệp thương hiệu cá nhân tổng kết trong hai câu.

Sau đó, bạn cần nghĩ về thiết kế thương hiệu, tức là nghĩ về cách ăn mặc, cách nói chuyện, kiểu tóc, cách thiết kế danh thiếp , thư từ và văn phòng làm việc. Mỗi yếu tố đều góp một phần trong việc tạo ấn tượng tương xứng với hình ảnh mà bạn muốn thế giới nhìn thấy.

Bước tiếp theo là quảng bá thương hiệu của bạn để nhiều người biết đến. Cách tốt nhất là bạn hãy trở thành công ty PR cho chính mình: làm những việc giúp bạn nhận được tiếng tốt, tập trung thu hút sự chú ý tích cực.

Những việc bạn cần làm gồm có thực hiện những kế hoạch mà không ai khác muốn làm hoặc đưa ra những ý tưởng và gợi ý làm sếp biết được sáng kiến và khả năng sáng tạo của bạn. Tự nhiên là trở thành công ty PR riêng cũng bao gồm hạn chế tối đa những chú ý tiêu cực. Đừng đòi hỏi được tăng lương khi công việc không đi đến đâu cả.

12. Nếu bạn muốn thành công, bạn cần có những người đỡ đầu

Những nhạc sĩ tài năng biết điều này, các ngôi sao thể thao cũng vậy. Nếu bạn không có một người huấn luyện tốt, bạn sẽ không thể thể hiện bản thân tốt nhất.

Những thợ thủ công trẻ học làm ăn thông qua học việc, họ chỉ bắt đầu phát triển phong cách riêng sau khi họ làm việc với những bậc thầy trong nghề. Trong kinh doanh cũng tương tự: người trẻ có thể học được rất nhiều thứ từ những người đã từng trải. Do đó, mỗi người quản lí tốt sẽ đem đến một chương trình cho phép những người đi trước truyền đạt kiến thức cho những nhân viên mới vào nghề.

Trong thế giới kinh doanh ngày nay, nơi mà các đội nhóm đa năng được kì vọng có thể phản ứng tức thì với những thay đổi trong môi trường làm việc tên lửa và năng động, tìm một người đỡ đầu sẽ là cách hiệu quả để nhân viên mới làm việc tốt nhất.

Nếu xung quanh bạn là những người tiên phong, những tên tuổi lớn và thành công thì bạn sẽ có lợi thế lớn khi xây dựng mạng lưới cá nhân. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người quanh bạn ảnh hưởng đáng kể đến thành tựu của bạn. Cả thành công lẫn thất bại đều có thể quy về đặc tính của nhóm người bạn làm việc chung. Chẳng hạn, nếu bạn làm việc chung với những người có nhiều mối quan hệ, bạn sẽ phát triển được một danh sách liên lạc cho riêng mình. Nếu xung quanh bạn là những người thành công, bạn cũng dễ trở nên thành công như họ.

13. Thông điệp chính của cuốn sách:

Kết nối thành công dựa trên sự cởi mở, quyết đoán và cảm thông. Bạn chỉ có thể trở thành người nối kết giỏi khi bạn thực sự hiểu mình và hiểu điều gì khiến người khác cảm kích.

– Sưu tầm