Đừng Chạy Theo Số Đông – Kiên Trần

Đừng chạy theo số đông nổi lên khi phốt về Kiên Trần lừa đảo được chia sẻ rất nhiều trên cộng đồng mạng, cuốn sách mang lối tư duy cá nhân, từ ngữ nặng nề. Nhận được nhiều lời khen chê nên mình đưa cả 2 vào bài review này để các bạn có 1 cái nhìn tổng thể, khách quan trước khi quyết định mua sách.

Review Đừng chạy theo số đông (2)

Kiên Trần là một tác giả trẻ, những cuốn sách của anh cũng mang màu sắc của những con người trẻ tuổi đầy quyết tâm và khao khát học hỏi. Với những quan điểm mang tính thời đại cao cùng với lượng kiến thức đa dạng sách của anh truyền tải nội dung mới lạ, phóng khoáng. Mỗi trang sách anh lại cho thấy cá tính riêng, cái nhìn đa chiều, nỗ lực hết mình để truyền tải rõ ràng nhất ý đồ của mình. Anh giống như một thợ đánh bóng người với chiếc kính lúp, đang cố gắng nhất để soi rõ từng khía cạnh của viên kim cương. Anh có thể xem là một người thành đạt với đầu óc thông thái, những cuốn sách selfhelp cùng kinh nghệm rất đáng tham khảo sẽ giúp ích rất nhiều với những ai được đọc nó.

Đừng chạy theo số đông là cuốn sách thứ 4 của Kiên Trần. Đây là cuốn sách ai trong chúng ta cũng nên đọc ít nhất một lần trong đời.

Điều khiến nó trở nên cần thiết là bởi luận điểm mà nó đã nêu ra: hầu hết trong chúng ta đã chạy theo số đông (hoặc chính là số đông). Điều này có thể dễ tiếp nhận với nhiều người, nhưng lại khô khan, giáo điều, huyễn hoặc, xa rời thực tế với nhiều người khác. Đọc cuốn sách này xong, điều trớ trêu là hầu hết chúng ta sẽ nhận ra mình là số đông, luôn là như vậy. Nhưng đó là sự thật, tôi không thất vọng khi mình là số đông, điều đó đang thay đổi, cuốn sách này vô dụng với ai không chịu chấp nhận sự thật này.

Đừng chạy theo số đông là một cái tát vào tư duy và lối sống truyền thống. Mục đích của cái tát đó là khiến chúng ta tỉnh ngộ. Hàng loạt luận điểm được nêu ra và được Kiên Trần phản biện. Các bạn có thể đồng tình hoặc không với những lý lẽ đó. Đôi khi nó mang tính phán xét cực đoan. Nhưng tôi phải thừa nhận tính khoa học của chúng. Phản biện khoa học cũng là thứ Kiên Trần hướng đến. Mọi thứ được gỡ rối, bóc tách cẩn thận và kết quả là thứ sự thật trần trụi ta không thể chối bỏ.

Có 1 cách để chia cuốn sách mà tôi cho là dễ hình dung hơn cả.

Số ít và số đông.

Các vấn đề được nêu ra rất nhiều: tư duy, nhận thức, thói quen, chất lượng cuộc sống, thành quả…

Mỗi vấn đề ta lại thấy cách nhìn và cách làm của số ít và số đông, sau đó Kiên Trần sẽ chỉ ra vấn đề ở đâu, cách khắc phục. Anh thật sự cầu toàn và tâm huyết với những luận điểm đó.

Cách trình bày các luận điểm của Kiên Trần vừa đủ rõ ràng với tất cả. Đây là một cuốn sách dễ đọc, nhưng không phải ai cũng muốn hiểu. Tuy nhiên các ảnh minh hoạ không gây được ấn tượng lắm, ít nhất là với tôi. Hãy bỏ qua nó, đằng nào nội dung đã nói lên tất cả.

Việc triển khai nội dung anh cũng làm tròn trịa. Gọn gàng không dây dưa, không sử dụng ngôn ngữ cao siêu hay ẩn dụ quá nhiều.

Vẫn đâu đó có những điều ta không muốn đồng tình với tác giả, đôi khi văn phong làm độc giả khó chịu, hoặc có thể quá nhiều thứ sáo rỗng với ai đó. Tuy nhiên hãy đọc cuốn sách một cách vô tư, Kiên Trần đã và sẽ dùng hiểu biết của mình mở rộng tầm nhìn của nhiều độc giả một cách không thể tưởng tượng được với cuốn sách này.

– Tường Vy

“Đừng chạy theo số đông”. Quyển sách nên được đọc ngấu nghiến và phải luôn mang theo bên mình.

Đây là cảm nhận của riêng mình. Và mình cũng không nhận được một chút lợi ích gì từ tác giả để ngồi viết bài này đâu. Vì mình thấy nó đáng giá, đáng đọc nên muốn chia sẻ cùng mọi người.

Bạn đang là học sinh, sinh viên hay đã đi làm? Bạn đang làm thuê hay làm chủ? Bạn đã làm công việc hiện tại được bao lâu và có muốn tiếp tục? Bạn có đang đánh đổi những thứ quan trọng nhất đời người: Sức khỏe, Gia đình, Tự do để tiếp tục công việc? Nếu đang phải đánh đổi một trong những thứ trên để dành thời gian cho cái gọi là công việc, sự nghiệp thì liệu nó có xứng đáng, có được gọi là thành công hay thành đạt mà nhiều người (số đông) hay tung hô?

Tác giả Kiên Trần khiến chúng ta phải nhìn nhận lại, đánh giá lại những thứ mà chúng ta xem là quan trọng (công việc, tiền, tài sản, kinh nghiệm, mối quan hệ,…) , và nhận ra thứ gì là thật sự quan trọng( Sức Khỏe, Gia Đình, Tự Do) trong đời người. Và việc đánh đổi những thứ Hữu Hạn này để lấy những thứ Vô Hạn chỉ mang lại nỗi đau và sự tiếc nuối. Những hào nhoáng, bề ngoài không mang lại sự yên bình thật sự bên trong.

“Đừng chạy theo số đông”. Đừng cố gắng là nhân viên và đừng cố gắng là nhân viên giỏi để được tăng lương, được thăng thức, được khen thưởng chỉ để mang lại cảm giác tự hào. Đừng trở thành “kiến”. Đừng “tưới cây” cho người khác. Hãy nỗ lực hết mình để trở thành chủ. Hãy tưới cây cho mình, xây dựng trang trại của riêng mình.

“Đừng chạy theo số đông” – tự cho mình là hiểu biết, kiêu ngạo. Hãy là “số ít” khiêm nhường, ham muốn sự thật.

“Đừng chạy theo số đông” cho ta thấy nên làm gì để đạt được cuộc sống đúng nghĩa. Thế nào là Làm Giàu đúng.

“Đừng chạy theo số đông” – góc nhìn khác về “Lối Sống Công nghiệp”.

“Đừng chạy theo số đông” – góc nhìn mới về tiền, tài sản, Bitcoin, Tư Bản mà có thể bạn chưa biết hoặc nghĩ mình đã biết.

“Đừng chạy theo số đông” khiến chúng ta phải nhìn nhận lại về Dinh Dưỡng, Giấc Ngủ, Thất Bại để có cuộc sống tốt hơn.

………..

“Đừng chạy theo số đông” là lời khuyên chúng ta đã được nghe nhiều, bàn tán nhiều nhưng chưa hẳn đã hiểu đúng.

Hãy mua, đọc và cảm nhận điều mà tác giả Kiên Trần muốn truyền tải đến chúng ta- “Đừng chạy theo số đông”.

Cuốn sách đáng giá hơn tất cả mọi lời khuyên mà chúng ta thường được nghe trước đây. Nếu tiếc tiền thì bạn đang bỏ lỡ thứ chắc chắc sẽ thay đổi cuộc đời của bạn.

– Nguyen Tuan Cuong

Review trái chiều

Quyển sách đã gây tranh cãi từ ngay cái tựa: Đừng Chạy Theo Số Đông. Chẳng lẽ “số đông” toàn làm sai, làm bậy? Còn làm khác với số đông là đúng sao? Theo tôi, tác giả chọn cái tựa sách như thế để đánh vào tâm lý của những bạn trẻ chưa trải đời nhiều, họ muốn thể hiện cá tính, muốn khác biệt, muốn gây chú ý.

Trong tất cả đoạn trích phía dưới đây, chúng tôi có dẫn link đầy đủ file ảnh của từng đoạn trích được chụp từ sách thật để khỏi bị nói là chúng tôi thêm thắt, bịa đặt, chỉnh sửa, ngắt câu làm sai lệch ý của tác giả.

Đa số chúng ta là những con người đi làm thuê, lãnh lương hàng tháng. Tác giả gọi những người này là “đàn kiến” và người chủ là “chủ trang trại”. Kiên Trần giải thích rằng sở dĩ họ trở thành “kiến” là bởi họ đã trải qua một nền giáo dục lỗi, bị truyền thông định hướng, bị số đông lôi kéo… (trang 28.) Anh kể ra trường hợp của cô Xuân làm ở Vietcombank:sau 7 năm đi làm, Xuân không cảm thấy hạnh phúc với con đường đã chọn.

Cô Xuân không hạnh phúc là chuyện riêng của cô Xuân, là cảm nhận của cá nhân Xuân. Xuân hoàn toàn có quyền nghỉ việc. Cớ sao tác giả lại gọi tiền lương mà Vietcombank trả cho Xuân hàng tháng là “khoản thù lao mua linh hồn”? (trang 30.) Nói vậy thì hàng ngàn nhân viên đang làm việc cho Vietcombank đều đang bán linh hồn cả sao? Phía Vietcombank hoàn toàn có quyền đòi hỏi tác giả Kiên Trần một lời xin lỗi. Thậm chí tác giả còn mạnh miệng khẳng định:

Nhân viên ngân hàng, về bản chất là dân chạy bàn “cổ trắng”. Đừng để vẻ hào nhoáng bề ngoài của những tòa nhà và quần âu áo sơ vin đánh lừa bạn. Trong túi họ không có nhiều tiền. Trong túi ngân hàng cũng vậy.(Trang 45)

Cô bán trà đá trước cổng ngân hàng gần nhà mình có thu nhập cao hơn các nhân viên ngân hàng bảnh bao, học cao.Cô bán trà đá thuộc tầng lớp quản trị và cổ đông. Cô có 100% lợi nhuận từ việc bán nước không phải chia cho ai. Còn nhân viên ngân hàng vẫn thuộc tầng lớp lao động, cho dù làm cho ngân hàng lớn hào nhoáng.(Trang 161)

Đọc sách mà tôi cứ tưởng mình đang nghe một đứa trẻ trâu nào đó lên giọng dạy đời bằng những lập luận ngô nghê và thông tin vô căn cứ, không hề có số liệu gì để chứng minh. Đồng thời tôi cũng đặt dấu hỏi về khâu biên tập bản thảo của Saigon books.

Tác giả Kiên Trần xem cô bán trà đá “thuộc tầng lớp quản trị và cổ đông”, xem nhân viên ngân hàng “thuộc tầng lớp lao động”, cho rằng họ “không có nhiều tiền“. Có vẻ như anh đang coi thường giá trị tầng lớp lao động thì phải? Theo tôi thì nghề nào cũng quý, miễn là làm ăn lương thiện. Tác giả muốn phân chia nghề nghiệp ra tầng lớp, giai cấp nhằm mục đích gì?
_____
Ở trang 39 có đoạn:
Vấn đề là bạn tưới sai cây. Bạn bận thật. Nhưng bận sai chỗ.
Bạn dành hơn nửa ngày của bạn. Nhìn xa hơn là nửa cuộc đời của bạn để tưới cây CỦA NGƯỜI KHÁC.
Bạn dành thời gian, sức lực, trí tuệ làm giàu cho doanh nghiệp của người ta. Không phải bạn.

Mỗi con người có một thế giới quan và những mục tiêu phấn đấu riêng. Mỗi người có quyền theo đuổi những giá trị mà họ tin rằng chúng sẽ mang lại cho mình niềm hạnh phúc, miễn là những giá trị ấy không vi phạm pháp luật, không vi phạm đạo đức là được. Tác giả Kiên Trần lấy quyền gì, lấy tiêu chuẩn nào mà phán xét người ta đang tưới đúng cây hay “tưới sai cây”? (trang 39) Bận đúng chỗ hay “bận sai chỗ”? (trang 39) Sự nghiệp fake hay là sự nghiệp thật? (trang 116) Cái gì là “quan trọng” hay “không quan trọng” đối với mỗi người? Sao anh biết việc đạt được những gì mà chúng tôi đang theo đuổi sẽ không làm chúng tôi hạnh phúc, mãn nguyện? Anh đang đem hệ quy chiếu của cá nhân mình áp đặt lên người khác. Người ta sinh ra đâu phải để sống theo những tiêu chuẩn của anh, hay hạnh phúc với những giá trị mà anh đang theo đuổi.

Kiên Trần nói rằng “Bạn dành thời gian, sức lực, trí tuệ làm giàu cho doanh nghiệp của người ta. Không phải bạn.” Tôi không biết tác giả có từng đi làm thuê hay chưa. Đối với tôi, đi làm thuê là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa người làm thuê và chủ doanh nghiệp. Mỗi công việc mà tôi từng làm qua đều là một sự tích lũy để làm giàu. Nếu không tích lũy tiền bạc, thì cũng làm giàu thêm vốn sống cho mình.

Trang 105 có đoạn:
Chủ trang trại vô cùng hùng mạnh và đã nắm toàn bộ cơ chế tuyên truyền, giáo dục, quảng cáo tiêu dùng chỉ để nhân viên mãi là nhân viên.

Tác giả đã gieo vào đầu người đọc cái suy nghĩ: người chủ doanh nghiệp là kẻ bóc lột sức lao động của nhân viên, họ cấu kết với truyền thông và giáo dục để lừa mị nhân viên, coi nhân viên như những con cừu dễ lợi dụng để làm giàu cho riêng bản thân họ thôi. Đây là một sự xuyên tạc trắng trợn mà không hề có một số liệu dẫn chứng nào để chứng minh cả. Thật nguy hiểm cho người trẻ khi họ tin vào thứ tư tưởng lệch lạc này.

Ở chương 5, trang 44 có đoạn:
Vấn đề ở đây là chúng ta DÀNH PHẦN LỚN CUỘC ĐỜI cày cấy cho trang trại nhà người khác và BỎ QUA trang trại nhà mình.
Thậm chí chúng ta còn TỰ HÀO vì được trở thành người cày. Đây là vấn đề.Đừng bán linh hồn cho quỷ dữ.

Trang 46 có đoạn:
Quỹ dữ – chủ trang trại – tất nhiên sẽ có chính sách ưu đãi để thuyết phục đàn kiến tiếp tục bán linh hồn cho mình vĩnh viễn.
Lương tháng thực sự là thứ gây nghiện.

Kiên Trần đã gọi việc làm công ăn lương là “bán linh hồn”, rồi lại gọi chủ doanh nghiệp là “quỷ dữ”. Chưa hết, anh còn xem lương tháng là chất gây nghiện, và tỷ phú là kẻ “bán chất gây nghiện”:

Tỷ phú (bên A) bán chất gây nghiện (lương tháng) đổi lấy thời gian. Tỷ phú giàu lên và giải phóng được thời gian cho chính bản thân.
Bạn được trao chất gây nghiện, đủ ăn. Được “tự do” trong sự “tự hào” vì được làm trong trang trại lớn. Và trao trọn thời gian hữu hạn, linh hồn, sức trẻ cho trang trại đó.(trang 51)

Hóa ra bấy lâu nay anh Kiên xem bao nhiêu người làm công ăn lương (trong đó có tôi) là những con nghiện? Để “cai nghiện” có lẽ là chúng tôi bỏ việc về nằm nhà, sáng nhặt lá, trưa đá ống bơ chăng? Chúng tôi chưa đủ bản lĩnh và nguồn lực để làm chủ đâu anh Kiên ơi. Anh so sánh ví von gì mà kỳ cục thế? Đây là một sự xúc phạm đối với độc giả lẫn chủ doanh nghiệp.

Những người tỷ phú với nguồn lực tài chính mạnh mẽ, họ có khả năng tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng, và chiêu mộ được những người tài giỏi ở từng lĩnh vực khác nhau. Sự hợp tác này có khả năng tạo nên những điều vĩ đại, giúp đất nước tiến xa (“muốn đi xa hãy đi cùng nhau”). Như tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người ta lập ra tập đoàn, doanh nghiệp, tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đất nước, giúp kinh tế nước nhà phát triển… thì bị anh quy kết là “bán chất gây nghiện”. Bạn trẻ nào mà tin anh thì sao dám đầu quân vào những doanh nghiệp, tập đoàn? Họ sẽ từ bỏ khát vọng được đóng góp tài năng, sức trẻ vào những tập đoàn tiên phong của đất nước…

Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
(Tục ngữ)

Ở trang 153, tác giả Kiên Trần còn “hù dọa” người lao động bằng những khẳng định xằng bậy:
“Lương tháng” là một phát minh thiên tài của hệ thống trang trại. Nó sinh ra chỉ với mục đích duy nhất là biến bạn thành nô lệ cho trang trại suốt đời.

Trời ạ! Không biết tác giả biết có phân biệt được hai khái niệm “nô lệ” và “người làm công ăn lương” hay không? Tôi đọc mấy chữ khẳng chắc nịch “chỉ với mục đích duy nhất là” mà thấy phẫn nộ. Ai dám duyệt cho cái thứ “loạn ngôn” này xuất bản thì đúng là gan cùng mình.

Nếu những người đi làm công ăn lương mà tin vào những luận điệu xuyên tạc này thì họ sẽ oán trách người chủ doanh nghiệp, hệ quả gì sẽ xảy ra? Tôi đã lờ mờ hiểu ra cái ý định phân chia tầng lớp, giai cấp của tác giả Kiên Trần lúc nãy.

Trang 50 có đoạn:
Nói cách khác, phần lớn chúng ta bán thời gian (hữu hạn) để mua tiền (dồi dào).
Các tỷ phú nghĩ gì?
Họ cho rằng đây là một cuộc trao đổi ngốc nghếch.

Người ta đi làm công cho chủ doanh nghiệp để được hưởng lương. Đây là một cuộc trao đổi đôi bên cùng có lợi. Tôi cho rằng chả có ông tỷ phú nào cho rằng “đây là một cuộc trao đổi ngốc nghếch” đâu, chỉ có Kiên Trần đã đem chữ nhét vào mồm “các tỷ phú” để chửi người khác là “ngốc” mà thôi. Nếu có, xin anh hãy dẫn chứng ra là những vị nào.

Điều buồn cười nhất là: Kiên Trần khuyên chúng ta trở thành chủ doanh nghiệp (“chủ trang trại”), nghĩa là trở thành kiểu người mà ban đầu anh gọi là “quỷ dữ”. Ngạc nhiên chưa!

Trang 103 có đoạn:
Dù thế nào đi nữa, hướng đi của bạn cần chuyển từ cày cấy cho trang trại không phải của mình sang trang trại của mình. Hoặc mua trang trại để làm chủ rồi có người khác cày cho mình (mua cổ phần công ty).

Dám hỏi anh Kiên Trần:
Hiện giờ anh đang là “kiến” hay là “quỷ” vậy?
Anh đang là “con nghiện” hay là “kẻ bán chất gây nghiện”?

Trang 77 có đoạn:
Bạn cần exit tầng lớp lao động và gia nhập tầng lớp địa chủ.

Tôi khẳng định 100% là khâu biên tập quyển sách này có vấn đề. Sao lại để cho một động từ tiếng Anh chen giữa vào câu văn tiếng Việt thế kia? Quyển từ điển tiếng Việt hoàn toàn có đủ từ ngữ thể Việt hóa cái động từ này mà.

Trang 117 có đoạn:
“Đi làm” nói chính xác hơn là “đi cày”. Số đông tung hô những từ như “đi làm”, “có công việc ổn định”, “có sự nghiệp”. Mình lại cực kỳ dị ứng với những từ này. Và bạn thấy mình không “dị ứng” một cách không có lý do. Mình dành cả cuốn sách để giải thích cho bạn mọi góc cạnh về việc nó gây dị ứng như thế nào. Và bạn cần tránh hệ tư duy số đông tiêm nhiễm vào đầu bạn như thế nào.

Sở dĩ tác giả bị dị ứng vì chưa biết cách tôn trọng những giá trị sống của người khác mà thôi. Anh Kiên không cần thiết phải dành cả một quyển sách hơn 400 trang để giải thích cho “cơn dị ứng” của mình đâu ạ.

Đọc tiếp tại Kiên Trần IELTS và sự thật