Lần cập nhật gần nhất August 14th, 2020 – 11:02 am
Được học, được giáo dục là niềm vui, niềm hạnh phúc, với một số người đó còn là cứu rỗi. Như Tara – dẫu giá phải trả giá cực kỳ đắt đỏ, dai dẳng, thấu xương. Nhưng cô đã chọn để được tự do, để trở nên tốt đẹp hơn, dù có đơn độc.
Bill Gates đã viết thế này về cuốn sách của Tara: “Mãi đến khi bỏ nhà đi vào lúc 17 tuổi, Tara chưa từng tới trường hay đi khám bác sĩ. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ đồng cảm được với một câu chuyện về việc lớn lên trong một gia đình Mặc Môn sống sót, nhưng cô ấy quả là một cây bút tài năng và đã khiến tôi phải nhìn lại cuộc đời mình khi đọc về tuổi thơ cực khổ của cô ấy. Melinda và tôi yêu thích cuốn sách này, hồi kí về một người phụ nữ khao khát được học tập và cuối cùng cô ấy đã nhận được bằng tiến sĩ, từ Đại học Cambridge.”
Review Được học (3)
Đi vệ sinh xong thì phải rửa tay không?
Tại sao phải rửa? “*Tôi có đái vào tay của mình đâu *!’’**| Được học (Educated), Tara Westover, 2018 |
Cuốn sách mình đang sắp tiết lộ cho các bạn là một quyển Tự truyện kể về hành trình đấu tranh của một cô gái tên Tara ở vùng núi xa xôi của Idaho nước Mỹ, để được đến trường.
Tara Westover được sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em với người bố bị* chứng rối loạn lưỡng cực*, luôn sống trong nỗi sợ của ám ảnh về “Ngày tận thế”, là người quyền lực nhất trong gia đình cùng người mẹ có “mối tận tâm dành cho hôn nhân và thiên chức làm mẹ”.
Gia đình của Tara không có sổ khám bệnh vì họ không bao giờ đi bệnh viện, vì người bố tin rằng bác sĩ là lũ giết người, hay việc đi đến trường học không khác gì việc chấp nhận để nhà nước tẩy não . Tất cả các loại bệnh đều được chữa bằng thảo dược của người mẹ, cả những lần chân của Tara bị đâm thủng bởi thanh sắt khi làm việc ở bãi phế liệu, cẳng chân của người anh trai Luke bị cháy gần hết, hay là ngay cả lúc khuôn mặt người bố như không còn da vì vụ nổ bình xăng,…
Phi thường
Tara năm 17 tuổi đã đấu tranh với gia đình đến “trầy da tróc vẩy” để được đi học.
Mình năm 17 tuổi giận bố mẹ vì không được phép ăn vặt bên ngoài vì không tốt cho sức khoẻ.
Cuốn sách được xuất bản vào năm 2018, có tổng cộng 3 phần bao gồm 40 chương, là thước phim quay ngược lại tuổi thơ trên núi Buck của Tara, kể lại quá trình lột xác từ một cô gái bị ám ảnh bởi hình ảnh xấu xí của chính bản thân mình trong gương khi bị người anh trai tống đầu vào bồn cầu, không dám mặc váy ngắn trên đầu gối vì cô được giáo dục rằng đấy là cách ăn mặc của những ả điếm, luôn nghi ngờ về bản ngã của chính bản thân mình, và bây giờ trở thành một cô gái mà Bill Gates cũng ngưỡng mộ.
Đáng khâm phục
Tara đậu trường Đại học Brigham Young (BYU) sau hai lần thi. Một cô gái 17 tuổi không biết giấy thi trắc nghiệm là gì, bẽ mặt với bạn học đại học vì không biết nghĩa của từ “The Holocaust” (diệt chủng Do Thái), không biết học thi là phải học giáo trình, không biết cách đặt các dấu chấm câu, nhưng bằng nỗ lực và ý chí phi thường, sau 10 năm được học, cô đã vượt qua tất cả, trở thành tiến sĩ ngành Sử học của trường Đại học Cambridge lừng danh và tự viết nên cuốn sách “Educated”- với bản tiếng Việt là “Được học” gây tiếng vang trên toàn thế giới.
“Các bạn có thể gọi bản ngã này bằng nhiều cái tên. Biến hình. Lột xác. Dối trá. Phản bội. Tôi gọi nó là hành trình giáo dục.”
Mình tin rằng, mỗi người sẽ có một trải nghiệm rất riêng khi đọc quyển tự truyện tuyệt vời này. Với mình, cuốn sách đã dạy mình rất nhiều bài học tâm đắc và dấy lên nhiều câu hỏi:
- Nhà là nơi mà khi đi xa chúng ta luôn mong để quay trở về, bởi nó là khởi nguồn của đầy yêu thương và hạnh phúc. Nhưng sự yêu thương đó nếu được thể hiện không đúng cách thì theo mình, đó là *sự mất mát *rất lớn.
Bố mẹ Tara yêu thương cô, cô cũng yêu gia đình mình, nhưng cuối cùng cô đã quyết định đi tiếp con đường đã chọn mà không có bóng dáng của họ. Mình sẽ ghi tâm điều này, và sẽ yêu thương bố mẹ nhiều hơn nữa, vì mình là một người may mắn hơn Tara.- Đâu đấy trên thế giới còn nhức nhối vấn đề bình đẳng giới, không chỉ ở những nước đang phát triển mà còn cả những nước tiên tiến như Mỹ. Mẹ của Tara thương yêu Tara, nhưng lại phục tùng người bố bị chứng hoang tưởng bởi quyền lực trụ cột trong gia đình. Josh – người bạn của Tara ở BYU cho rằng, một người phụ nữ có ước mơ học luật không nên học luật vì người phụ nữ được tạo ra nên chỉ có tham vọng với những đứa con, không phải địa vị xã hội hay kiến thức.
Các bạn có đang yêu thương những người phụ nữ xung quanh của mình không, khi mà họ sinh ra đã phải đối mặt với sự xung đột của nghĩa vụ “với gia đình, với xã hội, với bạn hữu, với bản thân”?
- Giáo dục, kiến thức không những giúp mình mà còn giúp người. Nếu như gia đình của Tara có nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc đến trường, thì cẳng chân bị cháy của người anh trai Luke sẽ không được sơ cứu trong thùng rác, người mẹ sẽ không phải chịu đau đớn khi bị vỡ sọ, Tara sẽ không phải tổn thương khi phải tự mình chia cắt quan hệ máu mủ với gia đình.
- Bạo lực gia đình là một thứ gì đấy như lưỡi dao lam mỏng vô cùng sắc bén, hữu hình nhưng lại vô hình. Được điều khiển bằng một bàn tay quyền lực bí ẩn, lưỡi dao nhẹ nhàng cứa một đường sâu thật sâu vào da thịt, vào tâm hồn chúng ta, vào những người xung quanh.
*Nỗi đau hiện hữu nhưng tại sao con người chúng ta lại khó ý thức được sự hiện diện của nó?
Ngoài đấy, xã hội đang nỗ lực đấu tranh đẩy lùi nạn bạo lực gia đình, nhưng hiệu quả sẽ đi đến đâu, khi mà chính nạn nhân không nhận ra mình chính là nạn nhân và cần phải đứng dậy đấu tranh?*
**“Không ai ngoài chúng ta có thể giải phóng tinh thần của chính mình.” **
Mặc dù cả trái tim và thể xác hằn nhiều vết sẹo chi chít, nhưng Tara – cô gái không được đến trường cho đến năm 17 tuổi, luôn hoài nghi về bản thân đã vượt lên và thay đổi số phận, tìm được bản ngã của chính mình và dũng cảm tiến bước trên con đường cô ấy chọn.
– Minh Phan
EDUCATED – TỰ TRUYỆN VỀ MỘT CÔ GÁI 17 TUỔI MỚI BẮT ĐẦU HỌC VÀ TRỞ THÀNH TIẾN SỸ.
CHỈ CÓ ĐIẾM MỚI MẶC THỨ ĐÓ!
Nếu bạn nghĩ rằng ở Mỹ không có những gia đình cổ hủ, giáo điều, giữ chặt những truyền thống hơn trăm năm, thì cuốn tự truyện này sẽ cho bạn thấy 1 điều vô cùng sửng sốt như việc cô giáo cho con gái mặc váy múa ba lê sẽ bị coi là “Chỉ có điếm mới mặc thứ đó”.
Là một trong những cuốn sách được đánh giá cao nhất trên goodreads năm 2018. Còn mình biết cuốn này qua giới thiệu và review của Bill Gates trên blog của ông.
Bill Gates viết rằng bản thân ông là một người tự học rất giỏi. Nhưng vẫn vô cùng ngạc nhiên về nghị lực của Tara Westover, một cô gái 17 tuổi mới bắt đầu học rồi sau này đạt tới học vị Tiến sỹ trường đại học Cambrigde – Anh quốc.
Đó là điều kinh ngạc vì Tara sống ở Mỹ chứ không phải nơi tận cùng nào trên thế giới, nhưng mãi sắp tới tuổi 18 cô mới biết thế giới bên ngoài là gì, kiến thức là gì, học là gì… 1 trang giấy trắng ở tuổi 17.
Qua Educated, 1 cuốn hồi ký của chính tác giả, sẽ đưa người đọc đến với một thế giới nhỏ của những gia đình theo đạo Mạc Môn, là một nhánh nhỏ thuộc tách ra từ đạo Tinh Lành. Những gia đình Mạc Môn không chấp nhận trợ cấp hay tiện ích cơ bản như điện, nước, internet của chính phủ vì điều đó phạm vào giới luật tôn giáo. Có những gia đình Mạc môn đưa con em mình học ở trong trường học dành riêng cho tín đồ, nhưng gia đình Tara còn thủ cựu đến mức họ không chấp nhận cả những gia đình Mạc môn khác. Vì thế Tara cùng các anh của mình lớn lên trong sự dạy bảo của bố mẹ và tôn giáo, cùng đi tới các bãi phế liệu để làm việc và được trả công rẻ mạt.
HÀNH TRÌNH CỦA MỘT CÔ GÁI NÔNG THÔN
MỸ TRỞ THÀNH TIẾN SỸ ANH QUỐC.Tara nói rằng cả thế giới của mình trước đó chỉ xoay quanh 3 thứ: tôn giáo, gia đình, và bãi phế liệu trước khi cô phát hiện thấy tình yêu ở ở trong tri thức. Đặc biệt là môn lịch sử, môn học sau này đã đưa cô tới học vị Tiến Sỹ.
Tara có những lần lái xe hàng tiếng đồng hồ để nghe giảng lượng giác, phải làm bảo vệ, lau dọn nhà thuê để có tiền trang trải cho cuộc sống để được học.khi học ở một ngôi trường xoàng xĩnh, Tara cũng không thể hoà nhập với các nữ sinh khác trong vấn đề thẩm mỹ và tôn giáo. Trong mắt họ, cô luôn là thiếu nữ nông thôn mới đặt chân đến thành thị. Vì thế Tara càng vùi đầu vào học vì cô biết mình không có tố chất thông minh, bị hổng kiến thức rất nhiều nhưng vẫn nỗ lực để học.
Ngoài ra Tara còn phải tuyệt giao với gia đình vì họ phản đối việc cô bước ra khỏi vòng tròn bảo vệ của gia đình để lao vào cuộc sống xấu xa bên ngoài. Thậm chi anh trai Tara còn doạ sẽ đánh què chân để cô không bao giờ học và bước ra ngoài thế giới được nữa.
Educated là cuốn sách nói về việc không quan trọng bạn bắt đầu từ đâu, muộn thế nào, dẫu phải trả một cái giá đắt vô cùng thì sự tự do và ước muốn được là chính mình sẽ bù đắp hết tất cả.
NẾU ĐƯỢC CHỌN 1 CÁI TÊN KHÁC
Mình sẽ trích bình luận của một bạn khi đọc review mình viết bên dưới. Đây cũng chính là sự bổ sung đầy đủ nhất cho lý do tại sao mình thích để tên gốc Educated hơn là “Được học”. Tự do cá nhân thôi, không có gì bất đồng ở đây cả.
Bỏ qua vấn đề dịch thuật, cá nhân mình nếu được chọn thì thích tựa sách là “Chọn học” sau khi đọc ,và khi mình cầm sách đọc ở quán thì có bạn không biết hỏi “Cuốn này là sách kĩ năng, hay nói về ích lợi của việc học ở trường”.
Theo cách hiểu của bạn ấy là đến trường học là lựa chọn tốt nhất có thể đối với 1 thanh thiếu niên. Chữ “được” là một đặc quyền và may mắn”.
Mình giải thích với bạn ấy là tác giả có đi học đại học, có bằng cấp nhưng không theo cách giáo dục bình thường chúng ta biết. Đó, đấy chính là điều làm mình lấn cấn với tựa sách “Được học” nó sẽ làm cho nhiều người đọc Việt Nam hiểu theo cách “học” truyền thống, theo từng cấp bậc. Khác hẳn sự truyền tải của tác giả.
Một comment của bạn đọc:
“Tui không thích cái tựa “Được Học” lắm. Tui không thích chữ “Được”, vì nó hàm ý tích cực, mà giọng văn của cô tác giả đa phần trung lập, vì quá trình “educated” của cô kèm theo nhiều cảm xúc phức tạp, buồn nhiều hơn vui, vừa là một điều may mắn vừa mang đến nhiều đau khổ và nuối tiếc.
Và tui chấp nhận chữ “Học” nhưng tui nghĩ chữ “educate” còn hàm ý nhiều hơn vậy. Trong quyển Jean Brodie của Muriel Spark, bà giải thích “education” (giáo dục) trong gốc từ Latin nghĩa là “dẫn lối ra ngoài”, tức bản chất của giáo dục là mở rộng trải nghiệm sống từ sách vở ra ngoài đời.
Mark Twain từng bảo: “Đừng để trường lớp ảnh hưởng đến con đường giáo dục (education) của bạn.” Đầu quyển sách “Educated” dẫn lại câu của John Dewey: “education (giáo dục)…là quá trình không ngừng tái tạo trải nghiệm bản thân”, đây cũng là ý tưởng chính của cuốn sách. “Education” không phải chỉ là việc đến trường, mà là toàn bộ quá trình mở rộng chính mình với tất cả mọi thứ xung quanh, để tiếp thu và ứng phó với nó, từ sự vật, cỏ cây, xã hội, con người, cho tới những thứ gần nhất như cha mẹ, tuổi thơ của mình”.
Cuối cùng, đây vẫn là một cuốn tự truyện, hồi ký rất đáng đọc.
– Đức Nhân
**SPOILER: SÁCH ĐÁNG ĐỌC CỦA NĂM & NHẬN ĐƯỢC RẤT NHIỀU GIẢI THƯỞNG DANH GIÁ.
Sách được BillGates rất recommend và khen ngợi: https://www.gatesnotes.com/Books/Educated
Quả thật rất biết ơn tác giả cũng như tác giả dịch quyển hồi ký này, rất đáng đọc và nên đọc thật rộng rãi.
**Good quote:
“Trước hết hãy khám phá hết xem khả năng của em là gì, sau đó hãy quyết định em là ai.”
“Em không phải là vàng của kẻ ngốc, chỉ lấp lánh dưới một ánh sáng tầm thường đâu. Dù em trở thành ai, dù em biến bản thân thành điều gì, thì em cũng luôn là vậy. Nó luôn ở trong em, không phải ở Cambridge mà ở bên trong em. Em là vàng, và việc trở lại BYU, hoặc trở về dãy núi em sinh ra, cũng sẽ không thay đổi con người thật của em. Việc đó có thể làm người khác thay đổi cách nhìn về em, việc đó có thể thay đổi cách em nhìn nhận bản thân, thậm chí vàng có thể mờ xỉn trong thứ ánh sáng đó- nhưng đó là người ta tưởng vậy thôi, vàng vẫn cứ là vàng.”
“Cuộc đời tôi được người khác thuật lại cho tôi nghe. Tiếng nói của họ mạnh mẽ, dứt khoát, tuyệt đối. Tôi chưa bao giờ nảy ra ý nghĩ rằng tiếng nói của chính tôi có thể cũng mạnh mẽ như họ.”
Thật ra từ trước đến giờ mình rất ít đọc những quyển tự truyện hoặc hồi ký, hầu hết thời gian mình dành cho những sách về phát triển bản thân là nhiều, nhưng vì vô tình mình bắt gặp cuốn sách này khi mình đi dạo quanh nhà sách, mình thấy bìa sách rất cuốn hút và ấn tượng mang hơi hướng tò mò cho mình, lúc đầu mình quyết định không mua nhưng về nhà, thấy vương vấn quyển sách ấy, mình lên Goodreads rồi đọc reviews về sách thì mình thấy cuốn sách này là một quyển HỒI TRUYỆN của chính tác giả, mình thấy quyển này đang đứng đầu New York Times Best seller và được đông đảo đọc giả yêu thích, vì vậy mình quyết định order online trên Tiki quyển này, phiên bản mình đọc là phiên bản Tiếng Việt, các bạn cũng có thể tìm mua phiên bản tiếng Anh nhé, các bạn có thể mua online hoặc mua tại nhà sách Phương Nam Book City của Vạn Mạnh Mall nhé, rẻ hơn Tiki nhiều.
Đọc xong quyển này mình học được rất nhiều về lịch sử thế giới, các kì thi của Mỹ, quan niệm sống của một tôn giáo nào đó và đặc biệt học được sự dũng cảm của cô bé Tara trong hành trình tự giáo dục chính mình để có được một vị trí cao quý nhất của thế giới học thuật. Thật là phi thường!
Sau đây mình sẽ review về câu chuyện của Tara Westover và những suy nghĩ của mình về quyển hồi ký tuyệt diệu này.
Câu chuyện xoay quanh về một gia đình có 7 người con, trong đó Tara là em út nhất, tuổi thơ của cô trải qua rất nhiều những biến cố và xung đột với những thành viên trong gia đình. Cha của Tara- Gene Westover, phải nói là một người tôn sùng tôn giáo Mặc Môn (Mormon Religion), ông luôn tin vào Kinh Thánh và Đức chúa trời, tư tưởng của ông luôn luôn lúc nào cũng phải “tranh thủ” và lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng mọi thứ cho ngày Tận Thế (“End of the world” day), vì tư tưởng bảo thủ và tôn sùng tôn giáo Mặc Môn in sâu vào trong lòng tin cũng như lối sống của ông, chính vì vậy ông thường áp đặt những tư tưởng của mình lên tất cả những thành viên của gia đình kể cả Tara từ cách họ ăn uống, ăn mặc, đến việc sống như thế nào cũng như nhiều khía cạnh khác.
Nói sơ qua về đạo Mặc Môn thì tôn giáo này là môn tôn giáo khá kì lạ và nghiêm cẩn lạ kỳ, tất cả những người có niềm tin vào đạo này, lối sống của họ rất khác biệt và tách biệt với mọi người xung quanh như: không uống cà phê, không chạm môi vào rượu, kể cả Coca Cola, không quan hệ thể xác trước hôn nhân, kể cả những lối ăn mặc của phụ nữ, khi họ ăn mặc với một chiếc váy quá ngang đầu gối thì đều được xem là không đứng đắn, trong câu chuyện đọc giả sẽ được trải nghiệm những phương thức kì quặc của tôn giáo này qua cuộc sống và cách nhìn của Tara.
Hiện tại, trụ sở của giáo hội này được đặt tại thành phố Salt Lake, Utah, Hoa Kỳ, do Joseph Smith thành lập vào năm 1830.
Sinh ra trong một khu vực vùng núi bang Idaho, Mỹ. Từ nhỏ, Tara đã không được đi đến trường, đến năm 9 tuổi có mới có GIẤY KHAI SINH, (như thể trước đó cô chưa từng tồn tại) nhưng khi đó cô còn không biết ngày tháng năm sinh chính xác của mình là ngày nào, tất cả những thành viên trong gia đình đều bị ảnh hưởng bởi bố cô, ông không tin tưởng vào các trường công của chính phủ vì ông có một niềm tin rằng chính phủ chỉ đang làm cho những đứa con của ông xa rời Chúa. Chính vì vậy, ông cũng không tin tưởng vào những vị bác sĩ, bệnh viện, khi những thành viên trong gia đình có những bệnh phát sinh, ông tuyệt đối để mọi người ở nhà và dùng những phương pháp trị bệnh tại nhà bằng thảo dược (herbalism) và những phương pháp điều trị thay thế (alternative healing) khác để chữa cho từng thành viên.
Cuộc đời của Tara gặp rất nhiều biến cố, cô đã dành một khoảng thời gian làm việc trong bãi phế liệu (junkyard) cùng với bố từ nhỏ đến năm 15 tuổi, dự trữ những thực phẩm, lương khô để chuẩn bị cho ngày Tận Thế, trong lúc làm việc tại những bãi phế liệu gồm ngổn ngang những thanh sắt, nhôm vỡ vụn, kim loại nặng, Tara liên tục bị thương, thậm chí muốn mất mạng, một lần trong lúc giúp bố cô dùng cần cẩu đỗ những phế liệu vào những chiếc xe tải, cô bị một thanh sắt đâm xuyên qua chân, tưởng như đời cô coi như xong, bố Tara vẫn một mực không cho đến bệnh viện, lúc ấy mẹ cô là một bà đỡ đẻ trong thị trấn và sau đó bà chuyển sang học hỏi và tự chế tạo những loại thảo dược với một niềm tin rằng những loại thảo dược này sẽ trị khỏi bệnh.
Hoặc là khi Tara đang có chứng bệnh đau họng trầm trọng, hay còn gọi là bệnh viêm họng liên cầu khuẩn (Strep throat), hay thường xảy ra ở trẻ con, lúc đó thời điểm giữa mùa đông, thay vì đi bác sĩ, bố Tara bắt cô hằng ngày vào buổi sáng đi về hướng mắt trời và mở to họng của cô để cho ánh nắng mặt trời rọi vào cho phần họng cô mau xẹp và hồi phúc, giữa cái lạnh rét buốt mà hằng ngày Tara vẫn làm, bệnh tình của cô cũng không khá hơn và ngày càng tệ hơn. Sau đó mẹ cô mới tìm những loại thuốc thảo dược để điều trị cho cô.
Nối tiếp những chuỗi sự kiện ấy là những biến cố về tai nạn xe làm mẹ cô bị tổn thương não trầm trọng (brain injury), vụ nổ của bố cô làm toàn thân ông bị tê liệt, biến dạng về cơ thể, tất cả những sự kiện ấy bố cô luôn tin rằng đó là sự sắp xếp của Chúa và ông để mặc Chúa quyết định sinh mệnh của mọi người mà không hề YÊU CẦU SỰ GIÚP ĐỠ.
Ngoài ra, sống trong một gia đình có mối quan hệ mang tính bạo lực (abusive relationship), liên tục bị anh trai của mình hành hung và bạo lực, dúi đầu cô vào bồn cầu vệ sinh và nắm tóc, kéo lê cô trên sàn nhà mỗi khi cô không làm vừa ý anh ta. Quả thật, tuổi thơ của Tara là một chuỗi ngày ác mộng.
Câu chuyện mang đầy cảm hứng khi chính thức năm 17 tuổi, cô trút hết can đảm để đến trường, vì từ nhỏ, cô không có cơ hội để đến trường, cô không biết gì nhiều, cô cũng không có bằng trung học phổ thông (General Education Development-GED), tuy nhiên vì quyết tâm cùa mình và sự can đãm, cô quyết định nộp đơn vào trường BYU (Bringham Young University, tọa lạc tại thành phố Provo, bang Utah, Hoa kỳ), trường hiện tại đang là trường đại học tư thục lớn thứ 2 toàn nước Mỹ, trường được sở hữu và điều hành hoàn toàn bởi giáo hội Mặc Môn và 70% học phí của sinh viên đều được hổ trợ bởi giáo hội Mặc Môn, trước khi vào trường ĐH này, cô phải hoàn thành một bài thi ACT- American College Testing, là một kì thi chuẩn hóa được dùng để đánh giá năng lực học tập của học sinh trung học và một trong những điều kiện tiên quyết để xét tuyển vào những trường cao đẳng/đại học của Mỹ. ACT bao gồm có 4 phần: Toán (Mathematics), Khoa học (Sciences), Ngôn ngữ Anh (English) và Đọc (Reading).
Thời điểm đó, cô tự mình tìm tòi và học hỏi, cô tự học lượng giác (trigonometry), sau đó là đại số (algebra), vv, một mình cô lái xe ba tiếng đồng hồ mỗi ngày để chỉ để học lượng giác, cô cũng tích góp tiền để mua giáo trình Toán học học, cô cũng hỏi anh trai mình- Tyler (Tyler hiện tại cũng đang học về kỹ thuật cơ khi tại BYU) về việc giải các bài toán khó, lần đầu tiên cô thi thì chỉ có 22 điểm, sau đó cô thi lại lần 2 thì được 28 điểm, vượt cả mong đợi, sau đó cô trúng tuyển vào BYU, và bắt đầu có đam mê về ngành Sử học, trong suốt 4 năm học, cô đã cố gắng rất nhiều, vì tiền học phí còn hạn chế và cô không đủ tiền để trang trải tiền thuê nhà, sách vở, đôi lúc Tara gần như tuyệt vọng, muốn bỏ cuộc tuy nhiên cô đấu tranh tới cùng, cô làm bảo vệ cho một tòa nhà gần trường vào 4 giờ sáng, sau đó chuyển sang làm công việc bán hàng trong những tiệm bánh để có tiền trang trải, tuy nhiên cô nhận thấy số tiền ít ỏi mà cô kiếm dđược thật ra không đủ để trang trải chi phí học, tuy nhiên cô không yêu cầu sự gúp đỡ.
Sau đó, cũng may nhờ sự giúp đỡ của tiến sĩ Kerry của trường BYU, ông đã giúp cô nhận được tiền trợ cấp từ trường, một phần vì thới điểm cô đang mắc bệnh đau tủy răng kinh niên, phải mất đến 1,400$ để chữa trị. Sau đó ông cũng giúp cô tìm cơ hội để nộp đơn cho chương trình du học sinh viên tại Cambridge.
Sau 10 năm kể từ Tara bước chân vào BYU, đến năm 27 tuổi, với sự nổ lực của chính mình cũng như giáo sư Jonathan Steinberg của trường Cambrige, cô đã được bằng Tiến sĩ chuyên ngành Sử học tại trường ĐH Cambridge, trường ĐH danh giá nhất thế giới sau bao năm nổ lực miệt mài.
10 năm không phải quá ngắn cũng không phải quá dài, nhưng theo cảm nhận của mình thì Tara là một cô gái rất dũng cãm, dám đứng lên đấu tranh để ĐƯỢC HỌC, thoát khỏi sự nghèo túng và vươn lên tầm cao mới trong thế giới học thuật. Tuy bây giờ cô rất thành công, tuy nhiên gia đình cô, đặc biệt là bố mẹ cũng rất ít gặp mặt cô vì tư tưởng quá bảo thủ và họ không tin cô, vì vậy khoảng cách gia đình ngày càng xa cách.
Qua câu chuyện, đọc giả có thể thấy trong một gia đình có 7 người con, chi có 3 người đạt được học vị Tiến Sĩ (Tyler, Richard và Tara), còn 4 người còn lại chịu số phận an toàn và phó mặc cho Chúa sắp đặt, họ chọn cách an toàn và không có nhận thức vươn lên để hoàn thiện con người mình.
Mình rất yêu thích quyển hồi ký này, nói về hành trình tự giáo dục của Tara rất gian nan tuy nhiên những chiến công và thành quả mà cô đạt được quả thật trên sức tưởng tượng. Sự đấu tranh không ngừng để vươn lên và thay đổi bản thân. Theo mình, ĐƯỢC HỌC là một ĐẶC QUYỀN mà chúng ta nên trân quý, cô gái Tara đến tận 17 tuổi mới được đi học, chúng ta có rất nhiều thứ trong thời kì hiện đại này, chúng ta nên biết ơn vì điều đó và hãy học hỏi mọi lúc mọi nơi vì thông tin là vô hạn trong thời đại công nghệ như ngày nay. Chỉ có con đường giáo dục mới mở mang ta đến với một thế giới khác, rũ bỏ trong ta những định kiến cũ rích và trang bị cho ta có thêm những góc nhìn đa chiều về thế giới.
– Tuyet Son