Đường Xưa Mây Trắng – Thích Nhất Hạnh

Đường Xưa Mây Trắng là câu chuyện kể về cuộc đời của Bụt, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa chúng ta trở về tắm mình trong dòng sông Nguyên Thỉ cách đây gần 2.600 năm, giúp chúng ta hiểu và gần gũi với một bậc giác ngộ mà cuộc đời của Ngài tỏa rạng nếp sống đầy tuệ giác và từ bi.

Review Đường xưa mây trắng (2)

Đường xưa mây trắng không chỉ kể về con đường tu tập của Bụt – Như Lai mà còn từ từ và khẳng định một cách vững chãi cách để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống chỉ có một con đường là tu tập chánh pháp, là sống tỉnh thức trong mọi tình huống. Vì sao khi có một người cầm gươm muốn giết Bụt và nói chủ tướng sai đi một đường và trở về một đường, Bụt đã nhìn ngay ra âm mưu của chủ tướng kia và chỉ cho người kia con đường sống. Vì Bụt luôn luôn sống trong tỉnh thức nên luôn nhìn được con đường đúng đắn, có quan điểm nhất quán rõ ràng và sáng suốt. Tâm từ bi của người khiến cho cả thế giới muôn đời tin yêu ngưỡng mộ và noi theo. Đọc sách ta cũng hiểu vì sao có chuyện người tu hành phải ăn chay và cũng có những người không ăn chay. Đọc để từng bước vỡ lẽ và tôn kính Bụt nhiều hơn.

Đạo lý tỉnh thức mà Bụt dạy có còn tồn tại sau khi người qua đời hoặc trăm năm, ngàn năm sau nữa không? Hạt giống không mất, hạt giống chỉ trở nên cây bồ đề. Bụt đã từng dạy không có gì từ có mà trở nên không. Nếu các vị khất sĩ thông hiểu kinh kệ thực hành theo những pháp môn được chỉ dẫn trong các kinh kệ đó và nhất là biết chấp hành giới luật cho nghiêm chỉnh thì đạo lý giác ngộ có thể tiếp nối nhiều trăm năm, ngàn năm sau cũng giống như nếu chúng ta có ý thức tự kỷ luật bản thân thì sẽ đạt được tự do. Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi lâu hãy đi cùng đồng đội. Đây là ý nghĩa của cụm từ “nương tựa tăng”.

“Đường xưa còn đó, những đám mây trắng vẫn còn, nếu mình bước một bước trên con đường này, bước với tâm trạng an hòa và tỉnh thức, thì con đường xưa và những đám mây trắng cũng sẽ màu nhiệm biến thành con đường hôm nay và những đám mây trắng trong hiện tại.” Sự bình an trong tâm hồn là sự giải thoát lớn lao nhất. Yêu một người không phải là mong muốn chiếm hữu người đó mà là để họ được bình yên sống trong không gian của họ. Hạnh phúc của họ cũng chính là hạnh phúc của mình. Trong đạo lý giác ngộ, thương yêu phải đi đôi với hiểu biết, thương yêu chính là hiểu biết. Nếu không hiểu biết thì không thể thương yêu, vợ chồng không hiểu nhau thì không thể thương nhau, anh em không hiểu nhau thì không thể thương nhau. Muốn cho một người nào có hạnh phúc, mình phải tìm hiểu cho được những ước vọng và những khổ đau của chính người ấy. Hiểu được rồi mình mới có thể làm mọi cách để cho người ấy bớt khổ đau và có hạnh phúc. Như vậy mới gọi là tình thương chân thật, còn nếu mình chỉ muốn kẻ kia làm theo ý mình, và không biết gì đến những khổ đau và những nhu cầu chân thực của người ấy thì đó không phải là thương. Đó chỉ là ước muốn chiếm hữu hoặc ước muốn thỏa mãn ý nguyện của mình, cho dù đó là ý nguyện muốn cho người kia sung sướng.

Thật xúc động, trước khi trút hơi thở cuối cùng vua Suddhodana – cha của Bụt đã nói: “Bây giờ ta thấy được rõ ràng cuộc đời là vô thường, và con người muốn có hạnh phúc thì không nên tham đắm vào vòng ái dục. Hạnh phúc là một cuộc sống thanh thản, bình dị và có tự do”.

Chưa bao giờ có một cuốn sách mà Bụt trở nên gần gũi, bình dị và đời thường như cuốn sách này. Đến Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh cũng mang theo các đồ đệ có phép thần thông quảng đại, huống hồ là một người như Bụt. Nhưng không, trong đời sống thường ngày, Bụt luôn khuyên các môn đệ không nên luyện tập theo các phép thần thông. Trong cuộc đời của Bụt từ chỗ là một thái tử tôn quý sống trong lụa là châu báu đến lúc đi tu trong rừng sâu núi thẳm không một chút thức ăn. Đạo là đời, Bụt đã hành trì và kiên định tìm ra con đường giải phóng nhân loại khởi mọi đau khổ, con đường giải thoát cho mọi tầng lớp trong xã hội. Then bước chân Bụt là con đường quay vào bên trong mỗi người, trò chuyện với chính bản thân, là con đường thực tập chánh niệm. Cách bạn làm một việc là cách bạn làm mọi việc và cách bạn làm một việc trọn vẹn tại một thời điểm chính là chánh niệm. Này các vị khất sĩ! Các vị hãy nương tựa vào chính mình, hãy tự mình làm một hòn đảo cho chính mình, đừng nương tựa vào gì khác, đừng nương tựa vào ai khác, như vậy các vị mới không bị đánh chìm bởi những đợt sóng của sầu đau, thất vọng, chới với. Các vị, hãy lấy giáo pháp làm hòn đảo, làm chỗ nương tựa, và đừng nương tựa vào gì khác, đừng nương tựa vào ai khác. Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Hãy lấy chánh pháp làm đuốc.

 – Nguyễn Hà

Ở Việt Nam, có một thực trạng là Đạo Phật bị thần thánh hoá khá nhiều. Đó thực sự là điều hết sức đau lòng. Nhiều người mang danh Phật Tử nhưng chẳng hề tìm hiểu về cuộc đời hay lời răn dạy Đức Thế Tôn để lại. Điều này khiến sự nhận biết về Phật Pháp đã sai lại càng lệch lạc hơn. Nhiều người quên rằng Đức Phật cũng là một con người, chỉ khác là con người đã giác, đã không còn vướng bận bởi cái vui buồn nhân thế nữa. Và Người quay lại dạy cho chúng sinh phương pháp để sống an vui hơn sau khi đã đạt đạo. Chính vì thế mà Phật Pháp phải là sư đạo chứ chẳng bao giờ là thần đạo được.

Sau khi gập cuốn sách này lại, tôi thấy cảm kích Thiền Sư Thích Nhất Hạnh vô cùng. Bởi vì thầy đã viết một cuốn sách hết sức tuyệt vời mà chẳng hề đề cập tới bất kì loại thần thông nào. Sư Ông đơn giản là tập trung vào những lời răn dạy đồng thời đi sâu vào trạng thái an lạc của thiền định trong suốt quãng đời dạy học của Thế Tôn. Như Đức Phật Thích Ca khi còn tại thế cũng không cho phép đệ tử của mình sử dụng thần thông một cách tuỳ tiện. Theo Người thì thần thông chẳng thể mang tới hạnh phúc hay cao hơn nữa là hướng tới giải thoát. Ngoài ra thì các loại phép thuật còn gây ra nhiều tác hại nếu người sử dụng có tâm ý bất chính. Vì thế Như Lai khuyên mọi người nên tập trung tối đa thời gian vào thực tập để có được sự thảnh thơi và hạnh phúc trong đời sống thường ngày.

Nếu ai đã tìm hiểu về cuộc đời Đức Phật Thích Ca thì đều biết, việc đầu tiên Người làm sau khi đắc đạo là đi tìm năm anh em Kiều Trần Như – những người bạn đã từng tu khổ hạnh với Người để độ như lời hứa. Đáng lẽ ra là sau khi đắc đạo và sở hữu thần thông thì Đức Thế Tôn chỉ cần bay bụp một cái là tới chỗ các thầy ấy. Nhưng không, Người cứ đi bộ thong dong trên đường, gặp ai thì tuỳ duyên hỏi về tung tích của năm người kia.

Hành trình này khiến tôi cảm động nhiều lắm. Nó giống như một cách để Đức Phật bắt đầu gieo duyên với thế gian vậy. Người cứ thế chậm rãi bước đi đầy vững chãi trên mặt đất để cho mọi người có cơ hội chiêm ngưỡng phong thái của bậc đại giác giả. Bước đi như vậy thật khiến người ta mơ ước. Ở Làng Mai Thái Lan, tôi từng gặp một sư thầy mang những bước chân hết sức an lạc. Mỗi lần thầy bước đi là giống như một ngọn núi đang di chuyển vậy. Sừng sững và vững chãi. Tiếp xúc với những người mang đầy năng lượng tích cực khiến bao âu lo muộn phiền cứ thế tan biến hết. Nếu tôi là người đi đường có cơ duyên được gặp Đức Thế Tôn lúc đó, chắc tôi sẽ quỳ dưới chân Người mà khóc mất.

Sau một quãng đường dài, cuối cùng thì Người cũng tìm thấy năm anh em Kiều Trần Như. Ban đầu, năm vị sa môn này bàn với nhau từ trước là sẽ không đón tiếp sa môn Tất Đạt Đa (tên của Đức Phật trước khi thành đạo). Lý do là vì Đức Phật hồi ấy đã từ bỏ lối tu khổ hạnh và đến với con đường trung đạo. Nhưng năng lượng của thương yêu, năng lượng của an lạc từ bậc đại giác giả kia sao lớn đến, khiến họ chẳng thể cưỡng lại được. Như Lai vừa bước đến thì người vội đi lấy ghế, người lấy nước uống cho Đức Thế Tôn.

“Này các vị sa môn, có hai thái cực mà người tu đạo nên tránh:
Một là lao mình vào khoái lạc nhục thể.
Hai là hành hạ thân xác hao mòn.
Cả hai con đường đều đưa tới sự phá sản của thân tâm.”

Năm vị sa môn kia chẳng nói chẳng rằng, họ đồng loạt quỳ xuống dưới chân Người để xin làm đệ tử xuất gia của Đức Phật. Sự kiện này cũng báo hiệu cho một dấu mốc lịch sử, đó là sự xuất hiện của Tăng Đoàn – Cộng đồng những người đi theo con đường sống tỉnh thức và thương yêu. Cũng chính ngày hôm ấy, bài thuyết pháp đầu tiên được Đức Phật giảng dạy cũng ra đời mang tên Kinh Tứ Diệu Đế (Kinh Bốn Sự Thật), đánh dấu gần nửa thế kỉ dạy học của Đức Thế Tôn sau đó.

Đức Phật từng nói rằng đạo đức không nằm ở xuất thân từ đâu mà nó đến từ hành động trong cuộc sống hàng ngày, bất kì ai cũng có thể trở nên cao quý bằng lối sống có đạo đức. Nhờ vào sự tu tập chân chính và không phân biệt giai cấp, Tăng Đoàn ngày càng có uy tín và được nhiều người nương theo. Nhưng trong quá trình duy trì một tập thể thì việc xảy ra những mâu thuẫn nội bộ là điều khó tránh khỏi. Việc giải quyết các rắc rối trong Tăng Đoàn chính là tiền đề ra đời của các giới luật.

Tôi nhớ có một câu chuyện ngắn giữa một thầy sa môn và Đức Phật:

“Tại sao Như Lai không đặt ra các điều luật ngay từ lúc thành lập Tăng Đoàn?
Ông có thấy người ta vá cái áo lành bao giờ không?”

Tôi hiểu rằng, nhờ kinh nghiệm bằng cách thực tập nhìn sâu vào cuộc sống. Đức Phật hẳn sẽ biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai chỉ qua hành động, lời nói, ý niệm của mọi người. Chính vì thế mà Người không đặt ra các quy định ngay từ đầu mà chỉ thiết lập chúng sau khi các mâu thuẫn xảy ra. Có lẽ là Đức Thế Tôn muốn các thầy hiểu rõ hơn về ích lợi của giới luật và tự giác duy trì chúng.

Nhưng cuộc sống là vậy, con người rồi ai cũng tới lúc phải chết. Đức Thế Tôn cũng không phải là ngoại lệ. Các thầy khóc thương vì Người dẫn đường cho mình đã chuẩn bị nhập diệt, vi không biết những ngày sau sẽ nương tựa về đâu.

“Lấy khổ làm thầy, lấy giới làm thầy.”

Khi mới bắt đầu làm một việc gì đó, ta đều phải nương theo sự hướng dẫn của các bậc tiền bối. Chỉ khi nào đạt đến trình độ tương đương với người thầy của mình thì ta mới tự phá rào và sáng tạo con đường cho riêng mình. Giống như Mạnh Tử, lúc ông ra đời thì Khổng Tử đã mất được hơn trăm năm. Mạnh Tử chỉ được học tập kiến thức và đạo đức của Khổng Tử chủ yếu qua sách vở và thân cận những người đệ tử còn sống của Khổng Tử. Nhưng kể cả chưa bao giờ gặp được Khổng Tử thì ông vẫn tin tưởng noi theo và đạt được vô cùng nhiều thành tựu trên con đường đạo học của mình. Đến mức mà người đời sau tôn ông là Á Thánh Mạnh Tử (Chỉ đứng sau Khổng Tử).

Đây chính là tấm gương lớn, như kim chỉ nam cho những người theo đuổi lối sống hạnh phúc và an lạc vậy. Con đường đã có và được ghi chép vô cùng rõ ràng rồi. Mỗi người chúng ta nên tự thắp đuốc lên mà đi. Ví dụ Đức Phật khuyên con người ta tránh hành dâm dục, hay Đức Jesus cũng răn rằng không được ham muốn vợ chồng người khác. Chỉ cần nhìn nhan nhản những đoạn clip đánh ghen trên mạng là ta có thể thấy tác hại của chúng ra sao. Hữu hình là một gia đình tan vỡ, vô hình là âm thầm khiến con người mất niềm tin vào sự chung thuỷ gia đình trong đời sống hiện đại. Đường xưa của cổ nhân không phải chỉ dành cho các vị tu sĩ mà là dành cho tất cả chúng ta.

Thời đại này, chúng ta để quá nhiều thứ độc tố tiêm nhiễm vào thân tâm, coi lời cổ nhân là cổ hủ. Mất đi giá trị cốt lõi của gia đình, truyền thống dân tộc. Coi hiền nhân là kì dị mà theo những thú vui đầy nhục dục. Mải mê với những thứ hào nhoáng mà không để ý tới cảm xúc người xung quanh. Chúng ta quên mất rằng khổ đau của người này cũng sẽ tạo nên mầm mống của những khổ đau khác. Muốn có được hạnh phúc thì phải dám đối mặt với khổ đau và thay đổi những thói quen không tốt của chính mình.

Khi chúng ta đã quen sống hạnh phúc rồi thì có cho chúng ta lợi lạc ra sao ta cũng nhất quyết không trở lại con đường xấu ác. Giống như con người quen ăn mặc chỉn chu rồi thì chẳng muốn ăn mặc rách rưới nữa.

Mong rằng cuốn sách này sẽ mang tới cho mọi người góc nhìn khác và khách quan hơn về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, về Phật Pháp và mang đến thật nhiều động lực để có đời sống hạnh phúc hơn.

– Ngoc Anh Hoang