Vào Trong Hoang Dã – Jon Krakauer

Vào trong hoang dã là cuốn tự truyện ghi lại cuộc hành trình của chàng trai trẻ Christopher McCandless (hay Alexander Supertramp như anh tự gọi mình) để bước vào trong miền hoang dã. Từ bỏ cuộc sống sung túc, công việc ổn định, anh bắt xe rồi đơn độc cuốc bộ tới vùng hoang dã Bắc Mỹ, nơi Alaska đầy tuyết trắng để trải nghiệm cuộc sống phi thường một mình ngoài thiên nhiên.

Review Vào trong hoang dã

Alex McCandless – kẻ sinh nhầm thế kỉ chạy trốn khỏi văn minh loài người
(Lưu ý bài viết có tiết lộ nhiều nội dung của sách)

“Cậu rất vui sướng được ở đó. Bên trong xe buýt, trên tấm gỗ dán bạc màu vì mưa nắng được kê ngang kính cửa sổ đã vỡ, cậu nguệch ngoạc lên đó một tuyên ngôn về tự do:

Hai năm nay anh phiêu bạt. Không điện thoại, không bể bơi, không thú cưng, không thuốc lá, hoàn toàn tự do. Một người cực đoan. Một chàng lang thang có óc thẩm mỹ vốn coi đường đi là nhà. Anh đã trốn khỏi Atlanta. Và sẽ không trở lại, vì “miền Tây là nhất.” Và giờ đây, sau hai năm phiêu bạt, chuyến phiêu lưu cuối cùng và vĩ đại nhất đã tới. Cuộc chiến cam go nhất để hủy diệt cái tôi giả tạo bên trong và kết thúc cuộc cách mạng tinh thần trong khải hoàn. Mười ngày đêm nhảy tàu chở hàng và đi nhờ xe đưa anh tới miền bắc trắng xóa vĩ đại. Không còn bị đầu độc bởi nền văn minh mà anh đang chạy trốn, và một mình đi lên miền đất này để biến mất nơi hoang dã.

Alexander Supertramp
Tháng năm, 1992″

Alex McCandless đã bỏ mạng nơi chuyến đi đơn độc cuối cùng vào miền hoang dã nhất của Alaska. Năm ấy anh 20 tuổi. Người ta nói rằng anh ngu ngốc, liều lĩnh và dại dột. Cố tình đi vào nơi hoang dã không người, thời tiết khắc nghiệt mà cố tình không chuẩn bị kĩ càng ư? Từ bỏ gia tài, từ bỏ một gia đình yêu thương, vứt cả oto, đồng hồ lẫn bản đồ, đốt hết số tiền cuối cùng của mình rồi đi thơ thẩn vào chốn hoang dã mà chẳng vì cái gì? Nếu điều đó là sự thật, Alex quả là một thanh niên xuẩn ngốc.

Bằng sự công tâm của một nhà báo và nỗi khắc khoải khôn nguôi của một người yêu những chuyến giã từ nền văn minh về với thiên nhiên, Jon Krakauer đã dành hơn một năm trời lần tìm để chắp nối câu chuyện của Alex và cho tất cả mọi người một câu trả lời: rằng Alex là một kẻ bị sinh nhầm thế kỉ chỉ muốn trốn chạy khỏi nền văn minh loài người.

Alex là một chàng trai có tiềm năng trở nên xuất chúng. Tức là anh hoàn toàn có thể trở thành một người vượt xa chuẩn mực trung bình của xã hội và đạt được những vinh quang mà người đời sẽ phải ngưỡng mộ. Ngay từ nhỏ, Alex đã tỏ ra rất xuất sắc trong học tập. Cậu đạt được những điểm A khi không cần phải cố gắng nhiều và một vài điểm F ít ỏi thì đều vì bài kiểm tra muốn học sinh làm theo một mẫu có sẵn và điều này làm Alex rất phiền lòng. Cậu có năng khiếu với âm nhạc và chơi được nhiều nhạc cụ, cậu có thể hát những dòng nhạc đã cũ, cậu cũng chơi nhiều môn thể thao. Cậu có tài năng thiên phú nhưng không chấp nhận bất cứ một sự hướng dẫn về kỹ thuật nào để nâng cao kĩ năng. “Kỹ xảo, chiến thuật và bất cứ thứ gì nằm ngoài những điều sơ đẳng về kỹ thuật chẳng có nghĩa lý gì đối với Chris. Cách duy nhất cậu muốn đương đầu với thách thức là ngay lập tức dùng hết sức đâm đầu vào”.

Mình chợt nghĩ, mỗi con người sinh ra là một bản thể riêng biệt với những suy nghĩ và khát khao riêng. Chỉ là xã hội mà chúng ta chung sống thường đặt ra những chuẩn mực chung cho số đông, để lấy đó làm thước đo đánh giá hành vi và đạo đức của một cá thể. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn là một người có những tính cách và chuẩn mực khác với số đông? Bạn sẽ cố oằn mình bắt bản thân đáp ứng với chiếc thước của xã hội hay tự chọn cho mình một lối đi riêng?

Với Alex McCandless, như một người bạn thời trung học trầm ngâm nhận xét, Chris “sinh nhầm thế kỷ. Xã hội ngày nay không thể đáp ứng nổi những khát khao tự do và phiêu lưu tới mức như cậu ấy muốn. Cậu gắng gượng hoàn thành mọi trách nhiệm với gia đình và kỳ vọng của cha mẹ cho đến khi tốt nghiệp đại học. Cậu quyết định đó sẽ là thời điểm cậu cởi bỏ tấm áo của cuộc sống không đúng với bản chất con người mình và biến mất.

Trước khi thực hiện chuyến đi vào lòng Alaska, Alex đã có kinh nghiệm sống đến vài tháng nơi hoang dã không người, chỉ với rất ít lương thực đem theo. Vì thế chuyến đi Alaska cậu đã có sự chuẩn bị từ lâu. Thế nhưng sự chuẩn bị đối với Alex không giống với suy nghĩ của số đông. Cậu đem những trang bị tối thiểu, cùng với số gạo rất ít ỏi với ý định hòa mình vào thiên nhiên chứ không phải đối đầu để thắng thế. Cậu không đi để chết mà đã dự liệu sống ở đó vài tháng, cùng với một khẩu súng trường để săn bắn.

Alex bỏ mạng không phải vì anh ngu ngốc và quá tự mãn. Anh bỏ mạng vì một loạt những sai lầm mà đến những người có kinh nghiệm nhất cũng có thể mắc phải. Đã có rất nhiều chữ “giá mà” được cất lên. Giá mà Alex đem theo bản đồ để có thể tự tìm đường đến trạm cứu hộ. Giá mà Alex quay trở lại kiểm tra độ nông sâu của dòng sông. Giá mà Alex cứ tiếp tục lần mò theo chiều dài của bờ sông… Thế nhưng trên hết, đó là cách Alex muốn sống.

Có một bạn nhận xét thế này: Sống 20 năm mà được sống đúng với con người mình, được thực hiện ước mơ và đam mê của mình có phải hơn sống 60 năm mà vu vơ bất định không?

Có lẽ mỗi người cần phải tự tìm thấy “Alaska” của mình và sống thật hết mình, thật sống động, để cuộc đời này không hoài phí. Mặc xác cái chuẩn mực của người khác đi, đó không phải chuẩn mực của tôi.

Alex cũng mắc rất nhiều sai lầm và loay hoay tìm kiếm một chân lý sống. Cậu sợ bị ràng buộc bởi tình thân, thứ nhiều khi sẽ níu giữ cậu khỏi những niềm hạnh phúc khác – như được chứng kiến sự hùng vĩ choáng ngợp của cảnh sắc thiên nhiên thay đổi mỗi ngày. Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, cậu viết: Hạnh phúc chỉ là hạnh phúc thực sự khi nó được sẻ chia. Có lẽ sự cô độc ở Alaska đã thay đổi đôi chút tính cách ngang ngạnh của cậu.

Tất cả chỉ là phỏng đoán. Chúng ta chỉ biết được rằng thứ cuối cùng cậu để lại cho đời là một bức ảnh tự chụp, tay giơ cao miệng nở một nụ cười hạnh phúc.

“Trong ảnh cậu đang mỉm cười, và ánh mắt cậu không thể nào dối trá được: Chris McCandless đang thanh thản, bình an như một thầy tu về với Trời.”

– Midori Momoiro

Trích dẫn Vào trong hoang dã

“Niềm vui của cuộc sống đến từ việc ta tiếp xúc với những trải nghiệm mới, do đó không gì vui sướng hơn có một chân trời không ngừng thay đổi, để mỗi ngày được thấy một mặt trời mới và khác lạ”

“…dấn thân vào những hành vi liều lĩnh là một nghi thức trưởng thành. Sự hiểm nguy luôn có một sức hấp dẫn nhất định.”

“Cậu có thành tích tốt tại trường Emory, tương lai sáng sủa khi trường Luật nằm trong tầm với. Tại sao cậu phải chạy trốn cuộc sống của loài người, tại sao cậu bỏ lại chiếc xe. Cậu đang ở đâu, tại sao? Tại sao và tại sao?”