Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ – Nguyễn Ngọc Thuần

Những câu chuyện ngắn xoay quanh cuộc sống thường ngày của một đứa trẻ mười tuổi. Có vui, có buồn, có được, có mất như cuộc sống của bao con người. Nhưng cảm nhận và cách nhìn một cậu bé làm cho mỗi người lớn phải suy ngẫm.

Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ khép lại không phải là niềm hân hoan mà là nỗi buồn. Nhưng nỗi buồn ấy lại đẹp một cách kỳ lạ!

Review (2)

《Tôi vẫn còn nhớ mẹ thường hay nói với tôi, khi một ai đó buồn họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ một nỗi buồn, chúng ta sẽ không buồn hơn, nhưng người khác lại vui hơn. Và đừng bao giờ quay lưng lại với một con người như vậy. Họ cần những khuôn mặt hơn là những viên thuốc. Họ cần những bàn tay, những tô cháo, những quả ổi hái để đầu giường. Họ cần mỗi buổi tối ghé lại ngồi với họ trong im lặng. Họ cần chúng ta dẫn họ lên đồi cuốc một mảnh vườn và thỉnh thoảng hỏi có thích ăn bắp rang không.》
_
Quyển sách này là tác phẩm đầu tiên mình đọc từ tác giả Nguyễn Ngọc Thuần. Thú thật, có lúc mình đã ái ngại đọc thêm sách từ các tác giả Việt. Từ lâu rồi không ai có thể đem lại cho mình cảm giác trong trẻo như khi đọc sách của bác Ánh, để rồi hôm nay hoàn toàn bất ngờ với quyển sách này. Thật thiếu xót khi tự bỏ qua một quyển sách hay như vậy.

Không phải là quyển sách có dung lượng quá dài nhưng “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” mang cho mình rất nhiều niềm vui khi đọc. Đôi lúc bắt gặp bản thân trong hình hài của cậu nhóc 10 tuổi tinh nghịch và tò mò. Cuộc hành trình khám phá cuộc sống muôn màu, mà ẩn dưới sự hồn nhiên đó là những bài học thật đáng quý, thật trong trẻo. Tớ đã biết thêm rằng niềm vui không ở đâu xa mà ở ngay trên thân thể lành lặn này, rồi hiểu được nỗi buồn từ những người không còn đầy đủ thân thể. Thậm chí trong chính cái tên mỗi người cũng là một câu chuyện riêng tư dễ thương:

《Theo bố tôi, cái tên quan trọng lắm bởi nó là cái tiếng đẹp đẽ nhất mà người ta sẽ gọi trong suốt cuộc đời một đứa trẻ. Đứa trẻ này khác với đứa trẻ kia trước tiên là một cái tên. Khi nhớ một cái tên tức là ta nhớ về một con người có cái tên đó… Khi mình lớn, cái tên vẫn đi theo. Mình sẽ giữ nó như một kỷ niệm về người bố và người mẹ. Đó cũng là tình cảm ưu ái mà bố mẹ muốn dành cho.》

Nguyễn Ngọc Thuần đã chọn cách kể quá đỗi khéo léo, thế nên các nhà văn trong nước đã ưu ái mà gọi đây là “Hoàng tử bé” của Việt Nam. Mình rất thích cách dùng từ của tác giả cũng như cách dùng những hình ảnh so sánh, rất ấn tượng. Nhà xuất bản Trẻ cho tái bản cuốn này và mình đã mua lập tức vì bìa quá đáng yêu. Chất giấy đã cải thiện nhiều, tớ thấy không riêng quyển này mà hầu như số sách gần đây tớ mua từ Trẻ là giấy như vậy, mấy quyển mới ra của bác Ánh và cô Tư cũng vậy. Thả tym cho Trẻ nha.

Điều mình thích về quyển sách này không chỉ dừng ở đó, nó mang lại nhiều niềm vui vì mình có thể nói về nó với người thân hay bạn bè. Bởi nội dung này không kén người đọc và cũng không giới hạn độ tuổi. Tớ đọc thử quyển sách này cho dì nghe, dì khen sách hay và hôm sau bắt tớ phải ngồi đọc tiếp. Dì tớ không đọc sách nhưng dì đã thích quyển sách này đó. Về chuyện vì sao tớ mua quyển sách này, lúc đầu định là mua cho cháu mình, định tập cho các bạn ấy đọc sách. Bây giờ quyển này đang ở trong tay các bạn ấy rồi.

Cảm ơn các cậu đã đọc bài chia sẻ dài dòng này, chúc các cậu có một ngày hạnh phúc.

– Bạn San

Có những khi cuộc sống thật khó khăn và áp lực, những lúc đó cho phép mình nghỉ chân một lát, thưởng thức một cuốn sách hay là một việc
nên thử, nhỉ!

Cách đây vài tháng, mình đang chịu khá nhiều áp lực và bế tắc, khi bình tâm lại, mình quyết định sẽ tìm đọc một cuốn sách mới, như mong muốn là khởi đầu cho những thay đổi mới. Và nhờ sự giới thiệu của cô bạn thân mình đã biết đến “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của bác Nguyễn Ngọc Thuần để có thể trải nghiệm một điều thú vị ấy. Bị ấn tượng ngay bởi cái nhan đề “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” – có cái gì thật thu hút, phải không? Chỉ với cái nhan đề thôi, cũng đã khiến ta suy nghĩ, truyện sẽ buồn, hay vui nhỉ? Nó sẽ viết về gì nhỉ? …

“Trong veo” chính là đánh giá thật nhất mình có thể dành cho cuốn sách. Cuốn sách đã thu hút mình ngay từ những từ ngữ đầu tiên, ngọt ngào như trái chín. Cuốn sách gồm những câu chuyện nhỏ, được nhìn qua lăng kính tâm hồn của một cậu bé tên Dũng mới lên mười tuổi nhưng lại có thật nhiều tương tư và suy nghĩ khiến người lớn cũng phải chững lại ngẫm ngợi. Dũng kể cho chúng ta nghe những mảnh ghép cuộc sống trong cuộc đời cậu, được kết nối với nhau như những đoạn phim ngắn nhẹ nhàng, và tràn đầy cảm xúc. Dũng – hay chính bản thân tác giả – nói về những bí mật nho nhỏ của cậu bé mười tuổi, những thanh âm đẹp nhất – đó là cái tên, có cả những niềm vui, nỗi buồn, tình yêu thương ngập tràn giữa gia đình, xóm làng. Có cả những rung động xốn xang của Dũng khi ngắm nhìn người thân, khu vườn, hay ngay cả những điều nhỏ nhặt – đôi guốc của cô giáo Hà – một bí mật về sự yêu thương. Dũng cũng kể cho ta nghe những trải nghiệm mà hẳn ít ai trong chúng ta đã thử qua, như hãy để quên một thứ gì đó trước khi tan học về- để thấy được đôi khi điều bí mật không nên cố tìm hiểu – để nó trở nên đặc biệt hơn. Với riêng mình, những câu chuyện của tác giả viết, là chuỗi dài những bí mật đã được bật mí- để “khi điều bí mật là niềm vui thì tại sao ta không nên tiết lộ cho mọi người cùng biết nhỉ” – chúng ta chia sẻ nó cho nhau và cũng giữ gìn giùm nhau… Sự dịu nhẹ từ những câu văn, sự ngọt ngào và bình yên xen lẫn những phút giây đầy tương tư, buồn man mác của nhân vật, khiến người đọc cảm thấy bình yên lây. Nhưng mình chắn chắn, sự bình yên đó không hề nhàm chán, và thậm chí còn có thể hút tất cả những ai thích đọc, dù gu thiên về thể loại nào, bởi bên cạnh những dung dị, Nguyễn Ngọc Thuần còn thực sự rất điệu nghệ trong cách kể, giọng kể, tạo ra những tình tiết hồi hộp, lôi cuốn và thu hút, dù đó chỉ là những trải nghiệm của một câu bé mười tuổi.

Từng điều bí mật dễ thương dần dần được hé lộ qua 19 chương truyện, khi đọc nó, mình thấy càng đọc, lại càng nhẹ lòng hơn bởi sự trong trẻo mà tác giả gửi gắm, có ai sẽ như mình khi đọc cuốn này không? Bởi nó hay, nên vừa muốn đọc hết một lèo, vừa muốn chần chừ để dành như muốn nhâm nhi cái vị ngọt thanh đó, như muốn níu giữ những điều đẹp đẽ đó…

“Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” chứa đựng thật nhiều tình yêu thương, về quê hương, Dũng yêu nơi mình sống, yêu khu vườn mà Dũng vẫn thường nhắm mắt lại và cảm nhận những hoa, những thân thuộc nơi đó. Những triết lí đời thường được tác giả kín đáo gài vào nhành truyện, khiến chúng có những vẻ đẹp rất riêng. Ai đọc cũng hẳn nhận ra từ nay việc cảm nhận cuộc sống, cảm nhận yêu thương, không chỉ đơn thuần là ngắm nhìn bằng đôi mắt nữa, mà hãy để nó tuyệt vời hơn bởi những cảm nhận từ nhiều giác quan, từ mũi để ngửi những nhành hoa, từ tai để nghe tiếng động, với đôi mắt nhắm nhưng với tâm hồn rộng mở.

Khoảng trời quê hương rộng lớn, nơi nhân vật Dũng được sống trong tình yêu thương, cũng là nơi, Dũng được ba mẹ dạy bảo cho những bài học rất nhân văn và ý nghĩa, những bài học đấy được kể lại nhẹ nhàng, như chính sự biết ơn của tác giả, để ghi nhớ và chia sẻ những bài học của bố mẹ đã từng dạy mình, những bài học đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn nhà văn đầy chất thơ của một sinh viên đại học Mỹ Thuật như Nguyễn Ngọc Thuần, hay cả những tâm hồn ai sẵn sàng đón nhận nó nữa. Mình xin phép được trích dẫn một vài lời dạy rất hay trong cuốn sách ra đây, chúng đã thực sự làm mình ấn tượng lắm. Như: “Một món quà bao giờ cũng đẹp, khi nhận hay cho một món quà, ta cũng đẹp lây vì món quà đó”, “Mỗi người đều tìm thấy một niềm vui riêng thuộc về mình, nhưng cũng có những niềm vui chung thuộc về tất cả” – nếu ví mỗi tâm hồn con người là một dây đàn thì khi chạm vào, nó sẽ ngân vang lên những thanh âm trong trẻo, “Người sống là một âm thanh nên khi sống, người ta sẽ gây nên tiếng vang bằng chính cuộc sống của mình”, “Khi nhìn theo bóng một người mà ta không thể quên được, chúng ta sẽ thấy “nỗi nhớ” của mình” – bạn đã từng nhận ra những điều vấn vương, tiếc nuối, suy cho cùng chính là nỗi nhớ? “Chỉ có hoạn nạn con người mới có thể học được một bài học về sự yêu thương” – đó là bài học về sự đùm bọc, yêu thương… Còn nhiều nhiều lắm, nhưng mình sẽ bỏ ngỏ một chút ở đây như một lời mời gọi, khi đọc chúng bạn có thấy tò mò về cuốn sách không?

Mở đầu cuốn sách là sự ra đời của Dũng – mẹ nói đó là điều may mắn của một đứa trẻ, mỗi đứa trẻ được sinh ra đều may mắn cả. Để rồi qua những câu truyện nhẹ nhàng, tác giả cho mình thấy rằng “trong mỗi người già đều có một đứa trẻ được nuôi lớn lên”, và những thanh âm cuộc sống, khi cảm nhận bằng tất cả giác quan và tâm hồn, sẽ trở nên kì diệu hơn rất nhiều – như việc vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ vậy. Và rồi tác giả dùng hình ảnh một bầu trời đầy sao như một tấm thảm sáng kết liền bởi tác giả đã từng kể mỗi người gắn liền với một ngôi sao, một bầu trời đầy sao sáng, như những đứa trẻ đang lớn lên, trở thành người lớn và đang sống, không ngôi sao nào tắt đi, không nỗi buồn nào hiện hữu ngay khoảnh khắc đó. Bắt đầu là sự khởi đầu tươi đẹp, kết thúc là sự hứa hẹn, trong sáng, tác giả đã gói trọn thành một cuốn sách hay bằng những điều giản dị đó. Với cái tài, cái tâm của mình, với những tinh ý nhất với tâm hồn của những ai đã từng là đứa trẻ, Nguyễn Ngọc Thuần đã đem lại cho độc giả một cuốn sáng xứng đáng được giữ gìn. Mình đã tìm được niềm vui và thấy được thật nhiều yêu thương nảy nở sau khi đọc “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, những điều trong vắt đó đã để thương, để nhớ nơi trái tim mình, còn bạn, sau khi đọc bài chia sẻ này, bạn sẽ tìm đọc nó chứ?

Hãy đọc nhé, vì sẽ rất xứng đáng đấy!

– Hồng Yến

Trích dẫn

“Tôi vẫn còn nhớ mẹ thường hay nói với tôi, khi một ai đó buồn, họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết.”

“Bố tôi vẫn nói, khi nhìn theo bóng một người mà ta không thể quên được, chúng ta sẽ thấy ‘nỗi nhớ’ của mình.”

“Tôi vẫn nhớ mẹ thường hay nói với tôi, khi một ai đó buồn, họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ một nỗi buồn, chúng ta sẽ không buồn hơn nhưng người khác lại vui hơn.

Và đừng bao giờ quay lưng lại với một con người như vậy. Họ cần những khuôn mặt hơn là những viên thuốc. Họ cần những bàn tay, những tô cháo, những quả ổi hái để đầu giường. Họ cần mỗi buổi tối ghé lại ngồi với họ trong im lặng. Họ cần chúng ta dẫn họ lên đồi cuốc một mảnh vườn, và thỉnh thoảng hỏi có thích ăn bắp rang không….”

“Đó mới là điều bí mật. Trong mỗi người bạn của con đều có một điều bí mật và một món quà đúng chưa? Khi biết món quà của ai, ta sẽ yêu người đó mà không yêu những người khác. Khi nhận được một món quà không biết ai gửi, con sẽ yêu tất cả những người con quen. Vì biết đâu một trong số họ đã gửi món quà đó. Chúng ta không nên biết người lạ mặt làm gì cũng là một điều hay…

Tôi đi học và tôi biết, mỗi buổi sáng đều có một người lạ mặt tặng ta món quà. Bạn có thấy điều đó thú vị không? Bạn hãy tưởng tượng đi. Những người xung quanh chúng ta đều có thể là người lạ mặt. Và tất nhiên trước khi đi học về, bạn hãy nhớ để quên một cái gì đó. Và bạn sẽ thấy, người lạ mặt từ từ xuất hiện thật nhiều, cho đén lúc tất cả chúng ta đều là người lạ mặt.”