Vùng khởi nghiệp

Vùng khởi nghiệp

Vùng khởi nghiệp

Tác giả : Mikkel Svane

Trong Startupland (2015), Mikkel Svane kể cho bạn nghe câu chuyện có thực về công ty của anh ta, Zendesk. Anh giải thích con đường đã dẫn anh từ việc làm cho một website nhỏ ở Đan Mạch tới vị trí trí CEP của một công ty triệu đô tại Mỹ, đồng thời chia sẻ những hiểu biết mà anh thu gặt được trên con đường đó

Ai nên đọc cuốn sách này?

Doanh nhân và các nhà khởi nghiệp

Bất cứ ai muốn biết ý tưởng kinh doanh của họ thành hiện thực

Những người không e ngại chấp nhận rủi ro

Tác giả cuốn sách này là ai?

Mikkel Svane là nhà sáng lập và CEO của Zendesk, một công ty phần mềm dành cho việc hỗ trợ khách hàng có trụ sở tại San Francisco

1: Có gì trong cuốn sách? Tăng cường cơ hội đứng vứng của bạn trong thế giới của khởi nghiệp.

Bạn mới có một ý tưởng kinh doanh sáng giá nào đó, hoặc cũng có thể là bạn đã có từ lâu nhưng không thể theo đuổi được nó. Dù thế nào đi nữa, bạn đều hy vọng là có thể xây dựng được một doanh nghiệp thành công dựa trên ý tưởng mới đó.
Thế nhưng, dường như trong vũ trụ mở của sự sáng tạo ngày nay thì cạnh trạnh là vô cùng khốc liệt. Xung quanh bạn, tất cả mọi người đều điên cuồng chiến đấu để hiện thực hóa các ý tưởng của họ. Vậy, làm thế nào để kế hoạch của bạn không bị nuốt chửng ăn thịt bởi đám động vật startup hiếu chiến ngoài kia?
Những gợi ý của tác giả, một tay chơi kinh nghiệm trong lĩnh vực có thể là một sự khởi đầu tốt dành cho bạn. Trong cuốn sách này, tác giả chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình về cách mà anh đã xây dựng thành công Zendesk. Từ việc nhen nhóm ý tưởng cho tới đặt trụ sở tại Mỹ, tác giả mời bạn chia sẻ cùng những trải nghiệm lên voi xuống chó của anh, đồng thời gợi ý rất nhiều những thủ thuật, kinh nghiệm mà anh đã rút ra được.
Qua cuốn sách, bạn sẽ khám phá ra:
  • Ai là nhà đầu tư tốt, ai thì không;
  • Tại sao kỹ năng làm việc nhóm lại quan trong;
  • Tại sao tác giả lại chuyển từ Copenhagen đến Mỹ.

2: Nếu lần khởi nghiệp đầu tiên mà thất bại thì cũng thường thôi

Khi Columbus trở về sau hành trình khám phá ra châu Mỹ, vài thằng cha đồng nghiệp ghen ăn tức ở đã mỉa mai rằng ai cũng có thể khám phá ra lục địa mới hết “miễn là họ cứ dong buồm về hướng Tây”. Để chứng minh là mấy thằng dở hơi đấy sai lầm, Columbus đã thách chúng dựng đứng một quả trứng luộc trên bàn mà không cần một dụng cụ phụ trợ nào. Sau khi chúng bó tay, Columbus đập dập 1 đầu quả trứng rồi dễ dàng đặt chúng lên bàn.
Cốt lõi trong câu chuyện của Columbus là một việc sẽ chẳng có gì nếu bạn đã biết cách làm, còn nếu không biết thì bạn hẳn phải chịu rủi ro. Khởi nghiệp cũng thế.
Bắt đầu một công ty khởi nghiệp về tổng thể là bạn phải sử dụng tinh thần của doanh nhân để thử những thứ mới. Tác giả cuốn sách này đã làm việc trong một vài dự án trước khi phát triển Zendesk, một công cụ phần mềm cho phép các công ty cung cấp các hỗ trợ cho khách hàng tốt hơn.
Dự án đầu tiên của tác giả là tạo ra các mô hình 3-D dựa trên các mặt 2-D, sử dụng phần mềm. Lúc đó Mikkel Svane tự kinh doanh một mình: khách hàng gửi đơn đặt hàng tới anh và sau đó anh tự trả sản phẩm qua các đĩa CD gửi tới khách hàng.
Sản phẩm tiếp theo của Mikkel Svane là một công cụ để tạo ra các Website, và dự án này cho anh trải nghiệm đầu đời về sự thất bại sau khi công ty sụp đổ khi khủng hoảng dot-com xảy ra năm 2001.
Khi khởi nghiệp, bạn rồi cũng sẽ nhận ra rằng nhiều khi những ý tưởng tốt nhất lại nghe chẳng hấp dẫn cho lắm.
Lúc đầu, có rất ít người đặt niềm tin vào Zendesk, khi mà họ chẳng bị truyền cảm hứng lắm bởi ý tưởng về một công ty công nghệ trong việc cải thiện dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ khách hàng. Alex Aghassipour, người mà sau này trở thành một trong những nhân viên cốt lõi của công ty, chia sẻ rằng lúc đầu ý tưởng của Zendesk nghe chán khủng khiếp.
Giống như Zendesk, hàng tá các ý tưởng khởi nghiệp khác đều có vẻ rất thiếu hấp dẫn lúc đầu, nhưng mà khi nó đã chạy ngon rồi thì lại rất hút. Ví như Dropbox chẳng hạn. Chia sẻ file hẳn không phải là một dịch vụ nghe có vẻ hấp dẫn vào thời điểm đó, thế nhưng Dropbox đã biến công việc này trở thành một điều gì đó đơn giản, hấp dẫn mà thậm chí lại còn mang cả tương tác xã hội vào nữa.

3: Chọn nhà đầu tư một cách sáng suốt

Nếu bạn là một đứa trẻ thiếu tiền, mấy thằng cha đầu gấu trong xóm không phải là những lựa chọn tốt của bạn. Chúng có thể cho bạn vay tiền, nhưng chắc chắn bạn sẽ chịu lãi cắt cổ và rắc rối lớn nếu không trả đúng hạn. Thế giới của các bạn khởi nghiệp cũng thế.

Không phải nhà đầu tư nào cũng là người tử tế. Buồn thay, các startup của chúng ta lại thường không có nhiều lựa chọn lắm khi bắt đầu phải huy động vốn nội bộ; khi mới bắt đầu, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều nhà đầu tư ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân. Điều tốt nhất bạn có thể làm cho startup của mình là cố hoãn binh và cầm cự một thời gian

Mikkel Svane cũng gặp phải vấn đề tương tự khi sáng lập Zendesk. Nhà đầu tư thiên thần đầu tiên hứng thú với dự án của anh cứ liên tục yêu cầu một cách bất hợp lý lượng lớn thông tin và tài liệu từ công ty. Tác giả thậm chí nhận ra rằng đây chỉ là một chiến thuật nhằm làm cho nhóm bị áp lực. Nhà đầu tư biết rằng họ rất cần tiền và cố gắng chiếm thêm lợi thế đàm phán bằng cách trì hoãn quyết định đầu tư và đòi hỏi các thủ tục.

Vậy bạn nên kiếm tiền đầu tư từ đâu? Nhiều khi bạn bè và người thân là những nhà đầu tư tốt nhất. Khi Zendesk bắt đầu hết tiền, các nhà sáng lập đã kêu gọi sự đầu tư từ những người xung quanh, và thông tin về dự án đã làn truyền giữa những người bạn cũ của họ tới cả các sếp của những người bạn này. Có một người đã đầu tư tới 30 000 USD!

Tất nhiên là mở miệng “dụ dỗ” bạn bè và người thân thì chả dễ chút nào. Lời khuyển của tác giả là bạn nên kỳ vọng thấp một chút, hạn chế nhượng bộ cho phép các nhà đầu tư quá nhiều ảnh hưởng và bạn nên chuẩn bị cho việc làm thất vọng một số người – có khi còn mất cả bạn.

Điều cuối cùng là kể cả khi bạn đã có đủ tiền, đừng từ chối các nhà đầu tư tốt.

Sau khi các nhà sáng lập của Zendesk đã gọi đủ vốn, họ nhận được lời đề nghị từ một angel investor khác. Thay vì từ chối, cuối cùng Zendesk vẫn chấp nhận khoản đầu tư, điều này cho phép họ đặt ra những mục tiêu tăng trưởng tham vọng hơn. Không chỉ có vậy, họ còn có thêm được một đối tác tài chính kinh nghiệm.

4: Chọn một đội tuyệt vời, và chiến đấu để giữ cả nhóm cùng nhau

Bạn có bao giờ đá bóng hay chơi bóng rổ hồi đi học không? Kiểu đồng đội nào thích hơn: kiểu hòa đồng và luôn muốn mọi người cùng tham gia vui vẻ hay là kiểu ngôi sao luôn ghi phần lớn bàn thắng nhưng thích giữ bóng 1 mình? Hiển nhiên là loại thứ nhất.

Khởi nghiệp cũng thế. Những người có tinh thần đồng đội luôn là các doanh nhân tốt hơn. Tất nhiên là cũng không dễ gì để giữ cả đội luôn được phong độ.

Trong những ngày đầu của Zendesk, ba thành viên sáng lập đã làm việc vô cùng chăm chỉ nhưng không được trả lương, thế nên họ đã rất khó để tập trung vào dự án. Quá ít tiền khiến cho họ không thể nuôi sống được gia đình, điều này khiến họ phải thực sự rất cam kết mới có thể không từ bỏ công ty và chuyển sang một công việc ổn định hơn.

Mikkel Svane đã quyết định giữ chân cả nhóm bằng việc đề nghị trả cho 1 thành viên sáng lập một khoản tiền nhỏ, cho dù là công ty chẳng có đồng nào cả. Anh nhận ra rằng giữ cho cả nhóm bền chặt với nhau còn quan trọng hơn là chia ra để tiết kiệm tiền.

Thế nhưng, để đạt được sự thống nhất trong team không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là vào những thời khắc gian khó. Zendesk đã rơi vào khủng hoảng ngay khi công ty mới nhận được một khoản đầu tư lớn, tương ứng với đó là việc bán đi một lượng lớn cổ phiếu của công ty. Điều này đồng nghĩa là một vài thành viên sáng lập sẽ trở thành tiếng nói thiểu số, thậm chí các thành viên hội đồng quản trị mới có thể loại họ ra khỏi công ty nếu họ muốn, một sự thật đau lòng.

Các thành viên sáng lập đã mất bình tĩnh trong khoảng thời gian căng thẳng này, trong một cuộc họp, Mikkel Svane đã hét thẳng vào mặt hai đồng nghiệp của mình trước khi bỏ ra ngoài vì không thể thuyết phục được họ về sự thay đổi này. Bầu không khí làm việc những ngày sau đó đã vô cùng xấu hổ. Mọi chuyện sau đó lắng xuống, mọi người cuối cùng đều chấp nhận rằng công ty thiếu tiền và nhận đầu tư là cách tốt nhất để tất cả cùng tiền vế phía trước.

5: Mỹ là nơi tốt nhất để định cư trong thế giới khởi nghiệp

Những người bên ngoài thường bị dị ứng với những cách ngôn kiểu Mỹ như “Fake it till you make it” (Cứ giả đi cho đến khi bạn làm ra đồ thật) hay “Winner never quit” (Người thắng thì không bỏ cuộc). Nhìn qua thì sự lạc quan kiểu Mỹ có vẻ hơi viển vông và thiếu thực tế, thế nhưng thực sự môi trường khởi nghiệp tốt thì cần những sự khuyến khích kiểu như thế. Bạn sẽ chẳng thể khởi nghiệp thành công nếu không tự tin mà dấn thân vào một lựa chọn đầy rủi ro.

Sự thực là những công ty kinh doanh các ứng dụng hàng đầu trên Internet đều đến từ Mỹ (và thực ra là cả Internet cũng bắt nguồn từ Mỹ). Đan Mạch chẳng hạn, chỉ có một nhà cung cấp Internet đường truyền dial-up duy nhất với giá cao cắt cổ vào thập niên 90, ở Mỹ lúc đó thì người ta đã bắt đầu điên cuồng phủ internet ở các thành phố lớn.

Người dân San Francisco đã bắt đầu sử dụng internet để giao tiếp, quảng cáo và thậm chí là đặt hàng đồ ăn trước cả khi dân châu Âu dùng email.

Tại sao? Bởi vì rất nhiều nhà phát minh cũng như những nhà đầu tư lớn định cư ở Mỹ. Vì những lý do như vậy, Mỹ trở thành nơi tốt nhất cho đội ngũ của Zendesk để tìm kiếm nhà đầu tư đầu tiên.

Sau khi tung ra Zendesk, tác giả cuốn sách đã tham dự một buổi tiệc của TechCrunch vào mùa hè ở San Francisco, và hầu như tất cả khách tham dự ở đây đều đã nghe hoặc thậm chí dùng sản phẩm của anh, và họ thì cũng đều đang startup. Tác giả đã cảm thấy gần gũi với cộng đồng ở đó còn hơn là ở nhà của mình khi mà không gian khởi nghiệp ở Copenhagen thực sự còn rất bảo thủ.

Thế nên các nhà sáng lập của Zendesk cũng ko quá ngạc nhiên khi hợp đồng lớn đầu tiên của họ yêu cầu công ty phải chuyển tới Mỹ. Khi nhóm chấp nhận khoản đầu tư mạo hiểm đầu tiên, cả nhóm đã phải đối mặt với một quyết định khó khăn: Zendesk phải di chuyển tới Boston, nơi đặt trụ sở của quỹ đầu tư. Mặc dù Boston không phải là một địa điểm lý tưởng, tác giả đã thuyết phục cả đội di chuyển.

6: Khởi nghiệp và gia đình của bạn

Nói chung thì một khi đã khởi nghiệp, cuộc sống của bạn sẽ chỉ toàn công việc. Bạn có thể làm việc 12 tiếng một ngày, và khi không làm việc, đầu của bạn thì sẽ chỉ toàn công việc. Một cách tự nhiên, những điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến gia đình của bạn.

Đầu tiên, có gia đình rồi thì chuyện rủi ro tài chính sẽ trở nên nhạy cảm hơn, khó chấp nhận được hơn. Tác giả của cuốn sách đã phải trải qua thời kỳ gian khổ và dằn vặt khi anh này nợ một đống tiền tín dụng, tiêu hết tiền tiết kiệm cho việc xây dựng Zendesk. Anh này còn vay 50,000 USD trên danh nghĩa cá nhân. Có thời điểm, anh này chỉ còn cách phá sản có 2 tuần (nếu ko tìm được thêm tiền đầu tư).

Tác giả cuốn sách, nhà sáng lập này đã không muốn bạn đời của mình phải chịu áp lực, thế nên anh cũng đã không giải thích hết tình hình với cô.

Sau đó, công việc của anh này còn khiến cả gia đình bị stress khi công ty chuyển từ Đan Mạch sang Boston. Điều này còn trở nên tồi tệ hơn khi họ đến Boston vào mùa hè, cái nóng thì khủng khiếp mà điều hòa thì hỏng. Gia đình trẻ đã phải mặc đồ lót đi lại trong nhà suốt 2 tháng.

Stress cũng không kết thúc ở đó. Thực tế là chẳng mấy chốc cả gia định lại chuyển từ Boston sang San Francisco! Gia đình đã chuyển theo khi Zendesk nhận một khoản đầu tư mới trị giá 6 triệu USD từ một công ty tên là Benchmark, trụ sở ở San Francisco. Đó là một thời gian bận rộn khi mà gia đình phải di chuyển liên tục.

Trong đêm đầu tiên ở nơi ở mới, những đứa bé đã vô tình khóa cửa nhà tắm trong khi để chìa khóa bên trong. Vợ của Mikkel Svane lúc đó đang ốm còn anh thì đã tiêu tốn hết 2 tiếng đồng hồ để mở được chiếc cửa trước khi lao tới chỗ làm. Khi bạn khởi nghiệp, những khoảng khắc đầy tính truyền thuyết này có thể trở thành những câu chuyện thường ngày.

7: Thích nghi và linh hoạt trong tuyển dụng sẽ giúp bạn tìm đúng người

Nếu bạn đã từng phải lướt qua một chồng 80 CV, tất cả đều viết bằng những ngôn ngữ khó hiểu như nhau lúc đó bạn sẽ hiểu tuyển được một ứng viên tốt khó đến thế nào. Nhiều lúc thì phỏng vấn còn khiến tình hình tồi tệ hơn: các ứng viên lo lắng, thế là họ trở nên nói quá nhiều hoặc quá im lặng.

Và tưởng tượng xem là bạn sẽ phải trải qua tất cả những điều trên ở một quốc gia xa lạ! Đấy là những gì mà các nhà sáng lập của Zendesk đã phải trải qua sau khi họ chuyển đến Boston. Ở đây họ đã học được những bài học quan trọng ở đây.

Đội ngũ của Zendesk nhận ra rằng người Mỹ và người Đan Mạch có cách thể hiện bản thân rất khác trong một cuộc phỏng vấn. Cả đội lúc đầu đã sử dụng cách tiếp cận của vùng Bắc Âu: đề cao sự khiêm tốn và bạn không cần chứng minh mình giỏi hơn người khác.

Kết quả là đội ngũ tuyển dụng đã chọn ra rất nhiều hồ sơ bởi vì những người này đã thể hiện đầy tự tin và hoành tráng trong hồ sơ của mình. Họ đã quá ngây thơ khi mặc định rằng các ứng viên sẽ luôn khiêm tốn và chân thành.

Sau đó, tác giả và các đồng nghiệp đã thay đổi cách tuyển dụng bằng những chiến thuật thú vị.

Ví dụ như trưởng ban tuyển dụng, vốn là một cựu quân nhân, ông này sẽ đưa các ứng viên tiềm năng ra một quán cà phê gần công ty. Trên đường đi, ông này sẽ cố đi thật nhanh xem các ứng viên có thể theo kịp hay không, quan sát kỹ cách họ ứng xử với hóa đơn thanh toán. Ông này cũng dùng những từ lóng thô tục trong suốt cuộc nói chuyện để xem cách họ ứng phó với nó.

Các nhà tuyển dụng của Zendesk không hỏi các ứng viên về trình độ học vấn, thay vào đó, họ tìm hiểu về các sở thích cá nhân, trải nghiệm du lịch hay cách mà những người này đối mặt với các khó khăn trong cuộc sống.

8: Hãy chuẩn bị cho những sai lầm

Đưa ra một sản phẩm mới cũng giống như sút penalty. Bạn có thể có một bàn thắng tuyệt vời, cũng có thể là một cú sút tìm chim. Nói chung là có thể phải sút vài lần mới tìm ra được cách.

Ví dụ, khi Zendesk mới bắt đầu, các nhà sáng lập đã gặp nhiều sai lần trong quá trình gọi vốn. Vào năm 2008, khi công ty vẫn còn đang ở Đan Mạch, tác giả đã bay đi Mỹ để thuyết phục một nhà đầu tư mạo hiểm. Thế nhưng đó không phải là một thời điểm tốt khi mà khủng hoảng tài chính diễn ra, các công ty phá sản hàng loạt, các khoản bất động sản cầm cố không còn giá trị, Lehmon Brother sụp đổ…

Quỹ đầu tư và các đối tác đã tranh luận kịch liệt với nhau về việc đầu tư cho Zendesk, và cuối cùng họ quyết định không đầu tư.

Một trong những sai lầm cơ bản khác là việc đánh giá thấp các chi tiết nhỏ. Đội của Zendesk đã học được bài học này khi tuyển Amanda Kleha, một cựu nhân viên Marketing tại Google.

Kleha đến với ngày làm việc đầu tiên mà ko có máy tính, điều mà cô mặc nhiên tin rằng công ty sẽ chuẩn bị. Khi về nhà để lấy máy tính, Kleha đã để lại một lời nhắn rằng cô đoán là mình đang gia nhập một công ty mới khởi nghiệp. Điều này khiến đội ngũ lãnh đạo nhân ra rằng họ cần một chiến lược phát triển toàn diện hơn.

Tuy nhiên, lỗi lầm tồi tệ nhất là lỗi lầm làm ảnh hưởng trực tiếp tới khách hàng. Zendesk nhận ra điều này sau một vụ khủng hoảng vì tăng giá sản phẩm, khách hàng quay lưng. Rất nhiều bức xúc của khách hàng đã viral khắp nơi, tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của công ty.

Mikkel Svane nhận ra rằng họ đã mặc nhiên ngộ nhận về cảm xúc của khách hàng. Mặc dù họ đã thông báo cho khách hàng về việc tăng giá, nhưng lại không giải thích rõ ràng lý do tại sao. Kết quả là khách hàng cảm thấy việc mình phải trả cho thứ mà họ đã ko đồng ý. Cuối cùng công ty đã công khai xin lỗi và đặt mức giá trở về như cũ.

Tổng kết

Thông điệp chính của cuốn sách này là:

Khởi nghiệp đơn giản là phát triển những ý tưởng giải pháp mới và chấp nhận rủi ro, thế nên chẳng có công thức thành công duy nhất nào cả. Có một đội ngũ mạnh, tìm kiếm những nhà đầu tư tử tế, chuẩn bị cho những sai lầm và thay đổi chiến thuật khi kết quả không như mong đợi. Chắc chắn bạn sẽ vấp phải những rào cản ngáng đường mà bạn chưa lường trước, giống như tác giả cuốn sách này. Nhưng bạn cũng có thể học tập tác giả, công ty của bạn rồi sẽ vẫn tiến về phía trước nếu bạn biết linh hoạt thay đổi và kiên định với tầm nhìn của mình.

Du Học Đồng Thịnh

Cảm ơn bản dịch của Hoàng Đức Minh, từ Sách Lược

Theo Blinkist