Lần cập nhật gần nhất October 8th, 2020 – 04:09 pm
“Trong những năm tháng còn trẻ, nếu chúng ta không chọn trở nên nổi bật, thì sẽ phải hối tiếc về sau”, đây là một trong những lời tác giả gửi gắm thông qua cuốn sách. Thông điệp này vừa thẳng thắn, lại mang một sự truyền lửa rất lớn, buộc người trẻ phải tự nhìn nhận lại và đưa ra những lựa chọn cho bản thân mình.
Xuyên suốt cuốn sách là những câu chuyện nhỏ bé thôi nhưng thật sự đặc biệt và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Những câu chuyện sáng nghiệp đầy gian khổ, cùng tình bạn, tình yêu đẹp đẽ đến từ chính cuộc sống của tác giả và những người anh quan tâm ngưỡng mộ sẽ tiếp cho các bạn trẻ nguồn nhiệt huyết thanh xuân để vững bước trên con đường mình chọn.
Review Vươn lên hoặc bị đánh bại (2)
VƯƠN LÊN HOẶC LÀ BỊ ĐÁNH BẠI – MỘNG MƠ ĐẦY KỲ VỌNG, TRƯỞNG THÀNH ĐẦY THƯƠNG TÍCH
Biết đến Lý Thượng Long từ cuốn sách “Gọi là ổn định thực ra là hoài phí cuộc sống”, mình quyết định mua cuốn sách tiếp theo bởi rất thích cách kể chuyện và giọng văn của anh ấy, cũng như cái tên rất ấn tượng: VƯƠN LÊN HOẶC BỊ ĐÁNH BẠI.
Hồi đọc cuốn đầu tiên và biết anh Long là một 9X, mình đã rất bất ngờ. Vì vô vàn những câu chuyện về những công việc mà anh ấy đã làm cũng như những người mà anh ấy gặp khiến mình có cảm giác anh ấy đã trải qua rất nhiều thăng trầm và tiếp xúc với rất nhiều người. Nhất là với giọng văn triết lý và cực kỳ sâu sắc, cảm giác như thể bất cứ một câu nào trong cuốn sách cũng có thể trở thành một câu quotes ý nghĩa vậy.
Cuốn sách thứ hai mình đọc của Thượng Long vẫn giữ vững phong cách như thế. Như thể anh có cả một biển những câu chuyện, những con người và những suy ngẫm để nói cùng chúng ta. Những câu chuyện ấy rất gần gũi, bạn có thể thấy đó là cô bạn bàn bên, đôi khi lại như thể chuyện cô bán mỳ đầu ngõ, có lúc lại giật mình vì ngỡ rằng đó là hình ảnh của bản thân.
Mình nghĩ điểm thu hút của cuốn sách cũng như văn của Thượng Long là ở chỗ anh ấy không phê phán, khi kể về câu chuyện của những người bạn, anh ấy chỉ đơn thuần là một người chứng kiến, một người nghe, một người bạn mà thôi. Với tư cách là một 9X đời đầu, có thể nói Lý Thượng Long có một nửa lối tư duy của người trẻ, bên cạnh những câu chuyện thấm thía của một người từng trải, điều đó tạo nên sự lôi cuốn và đồng cảm từ phía người đọc.
Mình thích cách anh ấy viết về mơ ước và thực tế. Rằng “mộng mơ đầy kỳ vọng, còn trưởng thành thì đầy thương tích”. Chúng là những dấu mốc trên con đường thành công và được kết nối với nhau bởi thật nhiều nỗ lực.
Cả cách anh ấy viết về cô đơn nữa. Không phải những hoang hoải của sự cô quạnh, nỗi cô đơn này đầy sức sống và kiên cường. “Cô đơn là lúc tốt nhất để tạo nên giá trị”. Trên cùng một con đường, có những người cùng mang trong mình niềm đam mê cháy bỏng muốn khẳng định bản thân. Nhưng khi gặp phải cùng một khó khăn, có người chọn đi tiếp, có khi là phải bò tiếp, nhưng có người thì lựa chọn từ bỏ.
Có lẽ họ cũng sẽ không chìm mãi trong nỗi đau của sự thất bại, rồi họ sẽ dần chấp nhận cách sống mình đã lựa chọn và bị mài mòn bởi nó. Mỗi khi nhớ lại, ngày cũ và những nhiệt huyết chỉ còn đọng lại như một tiếng thở dài. Ai cũng có thể ước mơ, nhưng nếu nỗ lực không đủ để vươn lên thì chỉ có thể bị đánh bại.
Mình cảm thấy đây là một cuốn sách kỹ năng sống rất thấm thía với lối hành văn cực gần gũi và sâu sắc, rất phù hợp với những người đang cần thêm một chút động lực ủn mông đấy.
– Trang Gem
[Vươn lên hoặc bị đánh bại – Cố gắng không ngừng nhất định sẽ thành công]
Francis Quarles đã từng nói rằng: “Nếu số phận chia cho bạn những quân bài xấu hãy để sự khôn ngoan biến bạn thành một người chơi giỏi”.
Và nếu số phận là những đường chỉ tay của bạn thì nó cũng chỉ đang nằm trong lòng bàn tay bạn đấy thôi, bạn đang nắm giữ chính số phận của mình chứ không phải là một ai khác.
Cuốn “Vươn lên hoặc bị đánh bại” của tác giả trẻ Lê Thượng Long hoàn toàn có thể chắp cho bạn đôi cánh để chinh phục vũ môn của bản thân của các bạn trẻ.
Cuốn sách được viết bởi Lý Thượng Long, tác giả nổi bật của Trung Quốc về những cuốn sách truyền động lực và cảm hứng sống cho các bạn trẻ. Bạn sẽ cảm nhận được nhiều cảm xúc mới mà có lẽ bạn chưa từng trải qua khi đọc cuốn sách, vào những câu chuyện đầy nghị lực vươn lên.
Bạn rơi vào trạng thái vô định khi nghĩ về tương lai của mình? Bạn cảm thấy cuộc sống của mình nhàm chán, vô vị? Bạn muốn thay đổi bản thân nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu? Phải làm gì để tuổi trẻ không bị lãng phí vô nghĩa? “Sống như ngày mai sẽ chết” sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời.
Rất nhiều người khi được hỏi về việc hối hận nhất sau 4 năm đại học, câu trả lời của họ đều là: “Đã không học tập tốt”. Thật ra, mọi người không phải là hối hận trong 4 năm đại học không học tập tốt, mà là hối hận không tận dụng khoảng thời gian lúc ở một mình của mình.
Tất cả những người thành công đều có một đặc điểm chung, đó là họ trân trọng thời gian, họ đều tận dụng khoảng thời gian lúc ở một mình để làm cho bản thân tiến bộ hơn, chứ không phải dành thời gian một mình để lên mạng xã hội, nhấn nút yêu thích bừa bãi.
Vì thế, không cần phải ngưỡng mộ ai, cũng không cần ngưỡng mộ những người làm nên chuyện rung chuyển đất trời ở những lĩnh vực khác, họ chẳng qua là đã chịu đựng được sự cô đơn khi ở một mình, tự nhiên cũng có thể “gánh” được tiếng tăm mai sau.
Hãy tận dụng “thời gian” cho tốt những giai đoạn làm nên giá trị, trở thành một người tốt hơn.
Cuộc đời là một bộ phim – đừng để nó trôi qua nhàm chán
Bi kịch cuộc đời là chỉ sống cho người khác xem hoặc chỉ xem người khác sống. Mỗi người trên thế giới này đều có một cuộc đời riêng và duy nhất, với những ngoại hình và hoàn cảnh khác nhau không bao giờ trùng lặp. Hãy gọi mỗi cuộc đời như vậy là một bộ phim -những bộ phim cuộc đời con người. Ai cũng có bộ phim cuộc đời của riêng mình, bất kể đó là kẻ hành khất hay một vị vua.
Trong bộ phim cuộc đời ấy, chúng ta vừa là người viết kịch bản vừa là đạo diễn kiêm diễn viên và thậm chí là khán giả nữa. Nhưng có một sự thật đáng tiếc, thay vì làm đạo diễn điều khiển cuộc đời mình dường như chúng ta lại thích thú hơn với việc làm khán giả cho bộ phim của người khác, từ người thân quen, người trong các mối quan hệ xã giao hay thậm chí là người hoàn toàn xa lạ.
Không có trải nghiệm tuổi trẻ không đáng một xu
Không ai trên đời phải hối hận vì trải nghiệm quá nhiềuTuổi trẻ không chỉ mang nghĩa là trẻ tuổi mà còn có ý nghĩa là những năm tháng tươi đẹp nhất cuộc đời. Với tuổi trẻ, trong ba thứ: sức khỏe, thời gian và tiền bạc, chúng ta chỉ thiếu tiền, còn thời gian và sức khỏe thì luôn đong đầy. Năm tháng đi qua khi về già ta sẽ nhận thấy tiền bạc hóa ra là thứ ít quan trọng nhất trong ba thứ trên. Nghĩa là, tuổi trẻ là giai đoạn quý giá nhất đời người vì sở hữu trọn vẹn hai món quà lớn nhất của cuộc sống là sức khỏe và thời gian. Ta vốn nghe nhiều người nói đến điều này rồi, nhưng hỡi ôi, sao chúng ta vẫn đang để cho tuổi trẻ của mình trôi qua hời hợt và vô nghĩa đến thế? Nhiều người trong chúng ta vẫn cho tiền bạc mới là thứ quan trọng và cần thiết nhất. Thế rồi ta vô tình quên lãng đi hai món quà quý giá nhất đời: thời gian và sức khỏe. Thật đáng trách nhưng cũng thật đáng thương làm sao.
– Hà Châu
Trích dẫn Vươn lên hoặc bị đánh bại
Những lúc một mình là khoảng thời gian tốt nhất để tạo nên giá trị, nhưng thật không may, khoảng thời gian ở một mình đó cuối cùng cũng sẽ mất dần đi theo sự tăng lên về tuổi tác của bạn.
Tôi nhớ đến một người bạn, khoảng thời gian chuẩn bị cho cuộc thi hùng biện Tiếng Anh, vì phải đọc một lượng tài liệu rất lớn, học thuộc danh sách từ đặc biệt, nên dù là người ham chơi nhưng anh ấy đã rất tập trung học, có thể không nghe điện thoại suốt cả ba tháng trời. Sau đó, tôi mới biết anh ấy đã thuê một căn phòng ở một nơi yên tĩnh, mỗi ngày ngoài tìm kiếm tài liệu thì sẽ quay mặt vào tương tự đối thoại bằng Tiếng Anh.
Cuộc thi năm đó, anh ấy đã giành được giải rất cao.
Người bạn đó nói: “Chỉ có kiên trì đến cùng mới có thể tạo nên kì tích”. Còn tôi thì cho rằng, chính khoảng thời gian một mình đó đã tạo nên con người vượt trội như anh ấy bây giờ.
Trên thế giới này có rất nhiều chuyện phi thường có được nhờ khoảng thời gian người ta cô đơn, cực khổ. Hợp tác tập thể là rất quan trọng, nhưng những mắt xích nhỏ trong hợp tác, những chi tiết nằm trong sự phân công và kế hoạch mục tiêu đều là do con người tạo ra khi ở một mình.
Cô đơn là lúc tốt nhất để tạo nên giá trị.
[…]
Những ngày tháng ngồi trên giảng đường không một bóng người, nhưng ngày ở trong thư viện không ai hỏi han, giúp tôi rèn luyện thành thạo kĩ năng trong những năm đại học, giúp tôi hiểu hơn về thế giới bên ngoài. Quan trọng nhất là, tôi bắt đầu hiểu, cô đơn là điều bình thường, người mạnh mẽ được tôi luyện từ cô đơn, kẻ yếu đuối lãng phí sự cô đơn.
Sau khi bước chân vào xã hội, tôi thường phát hiện tất cả những người thành công đều có một đặc điểm chung, đó là họ trân trọng thời gian, họ đều tận dụng khoảng thời gian lúc ở một mình để làm cho bản thân tiến bộ hơn, chứ không phải dành thời gian một mình để lên mạng xã hội, nhấn nút yêu thích bừa bãi.
Vì thế, không cần phải ngưỡng mộ những người toả sáng trong cuộc thi, cũng không cần ngưỡng mộ những người làm nên chuyện rung chuyển đất trời ở những lĩnh vực khác, họ chẳng qua là đã chịu đựng được sự cô đơn khi ở một mình, tự nhiên cũng có thể “gánh” được tiếng tăm mai sau.
Mong chúng ta đều có thể chịu được sự cô đơn, tận dụng cho tốt những giai đoạn làm nên giá trị, trở thành một người tốt hơn.
[…]
Tôi kì thực không đồng tình với việc người trẻ mới tốt nghiệp đã lao vào công ty làm việc văn phòng, tôi hi vọng họ có thể ra ngoài khám phá nhiều hơn, dù cho việc này rất mệt, rất bận rộn, vất vả lênh đênh không ổn định, tốt nhất đừng nên vừa mới tốt nghiệp đã đem cả thanh xuân để xây dựng một vùng thoải mái ở văn phòng, để rồi môi trường thoải mái này sẽ từng bước huỷ hoại thanh xuân vốn cần phải năng động.
Về việc bước ra khỏi vùng thoái mái, đó hoàn toàn không phải là nghỉ việc một cách mù quáng, ngược lại, bạn nên giữ một công việc đảm bảo cuộc sống, ngoài ra, nhất định phải thử những “quả trứng bí ẩn” nhiều màu sắc: thử ăn cánh gà siêu cay mà bạn chưa bao giờ thử; tỏ tình với cô gái mà bạn mới gặp một lần; đọc cuốn sách mà bạn luôn muốn đọc; cùng người bạn thân thiết đi đến một nơi không phải điểm du lịch; thử một lần say khướt không cần kiềm chế; đi thưởng thức một buổi biểu diễn gợi lại hồi ức của bạn…
Viết đến đây, tôi chợt nghĩ đến bộ phim Hàn Quốc “Điều kì diệu ở phòng giam số 7”, với hình ảnh chiếc khinh khí cầu bị chắn bởi hàng rào của trại giam và ánh mắt của cặp cha con khao khát được tự do. Trên thế giới này vẫn có rất nhiều người cố gắng tìm tự do còn chúng ta đã có thân thể tự do, tại sao không cố gắng phá bỏ bức tường trong tư tưởng, tự do bay ra ngoài xem hình dạng của thế giới?
Vì vậy, đừng để vùng thoải mái huỷ hoại tuổi thanh xuân của bạn, ngược lại, nên tận dụng tuổi thanh xuân, đi khám phá thế giới bên ngoài bức tường. Bạn hãy tin rằng người luôn giậm chân tại chỗ, vùng thoải mái sẽ càng thu nhỏ, rồi cuối cùng đến một ngày, sẽ phát hiện ra thế giới đã không còn chỗ cho mình đứng nữa.
Người mạnh mẽ thật sự, khi còn trẻ, họ trải qua nhiều bể dâu, hoá giải mây mù, học được cách kiên cường, biết cách chữa lành tổn thương. Họ có thể sống ở bất kì đâu, đâu đâu cũng là vùng thoải mái, đâu cũng là thiên đường của bản thân.