Vương Quốc Sáng Tạo

Vương Quốc Sáng Tạo

Vương Quốc Sáng Tạo

Tác giả : Ed Catmull

Vương quốc sáng tạo tìm hiểu về những thăng trầm trong lịch sử của hãng Pixar và Xưởng phim hoạt hình Disney cùng với hành trình cá nhân của Ed Catmull để trở thành một người quản lý thành công. Qua cuốn sách, ông giải thích về những niềm tin trong quản lý mà ông đã thu lượm được trên hành trình của mình, và ông cũng đưa ra những lời khuyên thiết thực để biến những thành viên trong nhóm bạn trở thành những siêu sao sáng tạo.

Ai nên đọc cuốn sách này?

Bất kỳ ai quan tâm tới những thói quen quản lý và các phong cách lãnh đạo thành công

Bất kỳ ai đang quản lý một nhân viên mà có công việc đòi hỏi sự sáng tạo

Bất kỳ ai thực sự hướng đến việc xây dựng văn hóa sáng tạo bền vững

Tác giả cuốn sách này là ai?

Ed Catmull là chủ tịch đương thời của cả hãng Pixar và xưởng phim hoạt hình Disney, và là người đồng sáng lập ra Pixar năm 1986. Ngoài việc là một nhà quản lý thành công, ông còn có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực phim hoạt hình và đồ họa máy tính.

Amy Wallace là biên tập viên ở thời báo Los Angeles và cũng là phóng viên của GQ.

1: Cuốn sách sẽ có ích với tôi như thế nào? Học cách chạm tới tiềm năng sáng tạo cao nhất của làm việc nhóm.

Ban quản lý thường luôn luôn phải đối mặt với tình trạng khó xử chung và bất tận này: một mặt, họ muốn tìm ra những giải pháp sáng tạo, đột phá cho những vấn đề hiện tại hoặc tương lai. Mặt khác, họ cần chắc chắn rằng họ đang tạo ra lợi nhuận – và họ cảm thấy không thể chấp nhận bất cứ rủi ro nào.

Với vai trò là chủ tịch của cả Pixar và xưởng phim hoạt hình Disney, và đồng sáng lập của hãng Pixar, tác giả Ed Catmull đã phải sống chung với sự khó xử này cả cuộc đời mình.

Tuy nhiên, ông đã thành công trong việc thực hiện giấc mơ đời mình là làm ra bộ phim hoạt hình máy tính đầu tiên, biến Pixar thành công ty cực kỳ phát đạt trong khi cứu được xưởng phim Disney khỏi cơn suy thoái.

Vậy có bí mật gì đằng sau thành công của Catmull? Vương quốc sáng tạo đã đưa ra câu trả lời hoàn chỉnh bằng cách sử dụng chính những giai thoại từ sự nghiệp của tác giả tại Pixar và Disney, đồng thời cũng đem đến cho người đọc những hiểu biết sâu hơn để tránh những cái bẫy thường gặp dẫn đến việc các nhà quản lý làm thui chột khả năng sáng tạo.

Những điều lý thú  trong cuốn sách sẽ chỉ cho bạn cách thức để đảm bảo rằng nhóm của bạn sẽ có được khả năng sáng tạo cao nhất và thực sự vượt trội.

Ngoài ra, bạn cũng sẽ học được

  • Tại sao có được một nhóm ăn ý thì tốt hơn là có một ý tưởng vĩ đại
  • Tại sao bạn nên vứt bỏ kế hoạch kinh doanh dài hạn vào sọt rác
  • Việc có quyền dừng dây chuyền sản xuất có thể tăng hiệu quả làm việc như thế nào, và
  • Làm thế nào để nuôi dưỡng tính sáng tạo chỉ với một cái bàn mới

2: Cơ cấu phân cấp ngăn người lao động trung thực đưa ra phản hồi, đặc biệt nếu đó là phản hồi dành cho những người giám sát.

 Liệu bạn có khi nào nhấc điện thoại gọi cho sếp để nói những ý tưởng của mình về việc cải thiện công việc kinh doanh? Có lẽ là không. Chắc hẳn là bạn, cũng như phần lớn những người khác sẽ cảm thấy quá sợ hoặc thấy mình không đủ quan trọng để nói chuyện với cấp lãnh đạo.

 

Tuy vậy, nỗi sợ có khả năng làm tê liệt ý chí này có thể dẫn tới một vài hậu quả trong công việc: nếu những người phụ trách không nhận ra vấn đề cần xử lý thì vấn đề sẽ mãi là vấn đề. Vậy làm thế nào để thoát khỏi tình trạng này?

Bạn có thể bắt đầu với một hệ thống ghi nhận phản hồi cho phép các thông tin có thể được chia sẻ một cách tự do và cởi mở giữa các cấp bậc. Hãng phim hoạt hình Pixar là một ví dụ, họ đã tổ chức một “Ngày cho những ghi chú” (Notes Day) vào năm 2013, khi đó công ty đã tạm dừng mọi hoạt động và toàn bộ nhân viên dành ngày hôm đó để làm việc với từng thành viên trong nhóm mình và gửi các ý kiến phản hồi của họ về công ty.

Ngày cho những ghi chú cực kỳ có ý nghĩa với công ty, bởi tất cả các thành viên trong công ty được tự do tham gia thảo luận mở về những vấn đề họ gặp phải, đồng nghĩa với việc các vấn đề được chia sẻ và giải quyết.

Nhưng cái bạn muốn không phải là phản hồi nào cũng được.. Để có thể nhận được những phản hồi giá trị nhất từ nhân viên, các nhà lãnh đạo cần chắc chắn rằng nhân viên của họ thực sự nắm giữ công việc của chính mình.

Ví dụ như, các công ty Nhật Bản vào những năm 1940 đã có thể cải thiện năng suất làm việc chỉ với một ý tưởng đơn giản: thay vì chỉ cho phép các cấp quản lý được quyền dừng dây chuyền sản xuất của nhà máy, thì giờ đây tất cả các công nhân cũng có thể dừng việc sản xuất dễ dàng bằng cách kéo một cái dây nếu như họ phát hiện ra có vấn đề nào đó. Vì vậy mà công nhân cũng cảm thấy tự hào hơn khi chính họ có thể xử lý các vấn đề mà không cần trông cậy vào cấp quản lý. Điều này cũng gia tăng hiệu quả làm việc bởi nó giúp vấn đề được giải quyết nhanh hơn.

Cuối cùng thì các công nhân nên cảm thấy rằng những ý kiến và đề xuất của họ rất đáng giá. Nhưng không may là họ thường sợ phải đưa ra ý kiến vì họ tin rằng những nhà quản lý đơn giản là sẽ lờ họ đi, hay thậm chí là xem thường họ.

Đó là lý do tại sao mà Ed Catmull, đồng sáng lập của Pixar đã tới thăm từng nhân viên cấp dưới của mình để lắng nghe và nhìn thấu được những ý kiến và các vấn đề của họ, từ đó đảm bảo rằng họ cảm thấy tự tin để nói với ông quan điểm của họ.

3: Nỗi sợ thất bại khiến cho mọi người thích những lề thói cũ hơn là mạo hiểm thay đổi.

 Bạn đã bao giờ quan sát xem chuyện gì xảy ra khi một hệ thống máy tính mới được giới thiệu ở văn phòng? Mọi người thường miễn cưỡng sử dụng, và ngay cả khi đã sử dụng rồi thì họ vẫn sẽ kêu than phàn nàn không dứt rằng hệ thống cũ là tốt hơn. Tại sao mọi người lại ứng xử theo cách đó?

 

Mọi người không thích thay đổi bởi vì họ cảm thấy rằng những cái mới và không quen thuộc sẽ dễ khiến họ mắc lỗi hơn. Hơn nữa, chúng ta đều ghét mắc lỗi bởi chúng ta sợ rằng nhìn chúng ta sẽ như kẻ thất bại. Đó là lý do tại sao một giáo viên guitar sẽ không bao giờ bảo học sinh của mình phải chơi một bài hát mới lần đầu tiên một cách hoàn hảo. Không chỉ bởi điều đó là bất khả thi, mà phản ứng tự nhiên của chúng ta là sợ hãi thất bại, và chúng ta sẽ bỏ cuộc trước cả khi chơi nốt đầu tiên.

Các giáo viên thì luôn kỳ vọng học sinh của mình mắc lỗi, bởi thử những cái mới luôn dẫn đến những sai sót. Thái độ này cũng quan trọng không kém trong kinh doanh: bạn cần chắc chắn rằng mọi người không chịu áp lực của nỗi sợ thất bại để họ có thể tự tin thử những cái mới.

Nỗi sợ “cái mới” cũng có thể khiến chúng ta cố gắng kiểm soát tương lai một cách cẩn thận. Chúng ta có thể thấy điều này trong kinh doanh, khi mà các công ty thường chọn đi theo một “lộ trình an toàn”, đưa ra những kế hoạch cứng nhắc để có thể ứng phó với một tương lai bất định.

Thế nhưng tính bất di bất dịch đó cũng có thể khiến cho các công ty bỏ lỡ những cơ hội không ngờ tới.

Ví dụ, sau khi hãng Pixar và xưởng phim hoạt hình Disney sáp nhập thành một, trưởng bộ phận Nguồn nhân lực của Disney đã tới gặp Catmull với một bản kế hoạch 2 năm chi tiết ghi rõ những mục tiêu của họ và những đề xuất của nhân viên, với hy vọng loại bỏ sự bất ổn bằng cách tôn trọng triệt để bản kế hoạch đã được nghiên cứu cẩn thận.

Nhưng Catmull biết rằng đây là một sai lầm: mặc dù công việc kinh doanh cần một mục tiêu để hướng tới nhưng công ty không thể bị cưỡng ép bởi mục tiêu đó. Vì vậy mà ông đã từ chối thông qua bản kế hoạch đó để có thể tiếp tục duy trì tính linh hoạt.

4: Các nhà lãnh đạo cần nhận thức được những thiếu sót của họ và lắng nghe quan điểm của nhân viên.

 Bạn đã bao giờ ở trong một cuộc tranh cãi nảy lửa với một người mà họ đưa ra một quan điểm rất vững chắc nhưng bạn lại không thể thừa nhận và cứ tiếp tục tranh cãi dù có thế nào? Tại sao chúng ta lại hành xử như vậy?

 

Chúng ta thường tự động ghi nhận những thông tin bổ trợ cho quan điểm của chúng ta, điều đó làm cho chúng ta không thấy được những cách khả dĩ khác. Điều này đã được làm  rõ vào những năm 1960 bởi nhà tâm lý học người Anh Peter Wason, với những thí nghiệm chỉ ra rằng chúng ta ưu tiên những thông tin cùng chiều với các quan điểm của chúng ta hơn là những thông tin trái chiều, bất luận nó có đúng hay không.

Nói cách khác, chúng ta đều bị ảnh hưởng của thiên lệch xác nhận, và điều này dẫn tới những lỗi lầm.

Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng bạn nảy ra một sáng kiến tuyệt vời về địa điểm để tổ chức bữa tiệc công ty sắp tới: trên một chiếc du thuyền! Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều đồng ý với ý kiến đó của bạn; thực tế là, cả ngày hôm đó, có ba người tới chỗ bạn để phàn nàn về khả năng rượu bị lẫn với nước, trong khi chỉ có một người tới để chúc mừng ý tưởng tuyệt vời của bạn.

Vậy mà, bởi thiên lệch xác nhận, bạn hầu như chắc chắn sẽ chỉ lưu tâm tới lời khen của một người hơn là mối lo ngại của ba người kia. Cũng không hề gì cho tới khi những đồng nghiệp của bạn say xỉn và ngã nhào trên mạn tàu!

 

Những nhà quản lý có thể tránh bẫy này bằng việc ý thức rằng nhân viên của họ có thể có những ý tưởng hay hơn của họ. Ví dụ như, trong một cuộc họp tại Pixar, một nhân viên đã đưa ra một đề nghị căn bản sau mà bộ phận quản lý đã không xét đến:

Thông thường, những họa sĩ cho phim hoạt hình làm việc xuyên suốt cả quá trình sản xuất phim, nhưng thường xảy ra những thay đổi không thể tránh khỏi so với kế hoạch ban đầu khiến cho họ thường xuyên phải chỉnh sửa hoạt họa, điều này mất khá nhiều thời gian.

Tuy nhiên, nếu Pixar chuyển phần việc tạo hình vào cuối của quá trình làm phim thì những họa sĩ có thể bắt đầu công việc với toàn bộ những thông tin họ cần hơn là cứ liên tục phải chỉnh sửa, điều đó sẽ giảm đáng kể lượng công việc của từng người.

Các nhà quản lý của Pixar đã nhìn ra giá trị của ý tưởng này và tiến hành làm như vậy, và điều đó cuối cùng đã đem lại thành công tuyệt vời.

5: Nhân viên sẽ làm việc chăm chỉ hơn nếu họ nhận thấy rằng họ đang đóng góp cho bước tiến tới sự hoàn thiện của công ty.

 Liệu bạn có cam kết học vật lý lượng tử hay tiếng Trung mà không có bất kỳ lý do thực sự nào không? Có lẽ là không. Trong khi tất cả chúng ta đều có thể bắt đầu một điều gì đấy vì một  sở thích vu vơ, chúng ta chắc chắc sẽ từ bỏ nếu nó không có ích gì cho một mục đích to tát hơn.

 

Vậy nên, để có thể vận hành một cách tốt nhất, các công ty cần có một mục tiêu để phấn đấu. Mục tiêu này không cần phải cụ thể; thậm chí nó còn có thể mơ hồ như là “theo đuổi sự vượt trội”, để cho mỗi thành viên đều phấn đấu hết khả năng của họ.

Ví dụ, mục tiêu “đam mê sự vượt trội” của các nhà sáng lập Pixar đã có tác động lớn tích cực tới công việc của họ. Các nhân viên trong công ty luôn luôn phấn đấu làm hết khả năng của mình, từ đó càng tiến xa hơn trên con đường chinh phục mục tiêu cao cả này.

Một ví dụ khác, có vài vấn đề nghiêm trọng đã phát sinh trong quá trình sản xuất phim Câu chuyện đồ chơi 2 đe dọa tới khả năng thành công của hãng. Nhưng bởi mọi người ở Pixar đều chia sẻ mục tiêu vươn đến sự xuất sắc, họ đã làm việc không ngừng nghỉ suốt bảy ngày trong tuần để giải quyết những vấn đề này. Và kết quả là: bộ phim không tưởng đã đạt doanh thu 500 triệu đô tại phòng vé.

Ngoài ra, nhân viên sẽ làm việc chăm chỉ hơn và có thể dễ dàng vượt qua những trở ngại hơn khi họ biết được rằng công việc của họ là một phần quan trọng của toàn bộ quá trình.

Ví dụ, trong quá trình hãng Pixar sản xuất bộ phim đầu tiên, Câu chuyện đồ chơi, các giám đốc sản xuất đã bị những nhân viên khác xem thường, đó là những kỹ thuật viên hay họa sĩ, họ cho rằng công việc của ban quản lý đã gây trở ngại cho công việc của những người còn lại.

Mặc dù công việc rất vất vả, nhưng các giám đốc sản xuất biết rằng, với Câu chuyện đồ chơi, họ đang tạo nên một huyền thoại điện ảnh. Họ có thể nhìn thấy vai trò sản xuất phim của họ là yếu tố cốt lõi để đạt được thành tựu nổi bật trong lịch sử điện ảnh, do đó họ có thể lờ đi những chỉ trích của đồng nghiệp và tiếp tục cống hiến hết mình.

6: Con người là yếu tố quan trọng hơn so với ý tưởng hay quá trình, bởi vậy việc tập hợp được một nhóm ăn ý là cấp thiết.

 Tất nhiều người nghĩ  rằng thành công trong kinh doanh xoay quanh việc đưa ra được càng nhiều ý tưởng đột phá càng tốt. Điều này dĩ nhiên là không có gì sai nhưng còn có một yếu tố quan trọng hơn nhiều trên bước đường thành công: tuyển dụng đúng người.

 

Quả thực, có được một nhóm làm việc ăn ý quan trọng hơn một ý tưởng tuyệt vời nhiều. Bởi cuối cùng thì dù ý tưởng có hay đến mấy, mục tiêu có rõ ràng như thế nào hay kế hoạch có cực kỳ kín kẽ đi chăng nữa cũng không có nghĩa lý gì nếu bạn không có một đội ngũ phù hợp để tiến hành công việc, và vậy thì cũng chẳng thể thành công được.

Ví dụ như, hầu hết những thứ bạn mua – từ chiếc iPhone tới một bữa ăn trong nhà hàng năm sao – đều không phải là kết quả của một ý tưởng đơn lẻ mà là sự tổng hợp những nỗ lực và tương tác từ rất nhiều người. Đó là sản phẩm từ công việc của rất nhiều những bộ óc sáng tạo, dù họ có làm đầu bếp hay thiết kế kỹ thuật, họ đều cùng nhau chia sẻ những hiểu biết của mình và cùng cho ra một sản phẩm thành công.

Đó là lý do tại sao việc tạo nên một nhóm lý tưởng không chỉ là việc thuê những người giỏi nhất mà còn là việc tạo ra một nhóm làm việc dễ dàng và thoải mái với nhau.

Hơn thế nữa, những nhóm đầy cá tính đa dạng thường sẽ thành công hơn một nhóm những người có tư duy giống nhau. Đó là bởi vì những sự khác biệt sẽ cho phép họ tán dương và truyền cảm hứng cho nhau.

Ví dụ như, khi Catmull nhập học trường Đại học Utah vào những năm 1960, ông là thành viên của một chương trình đặc biệt nơi mà những sinh viên tốt nghiệp với những sở thích hoàn toàn khác nhau đều có thể cùng sử dụng máy tính của chương trình.

Những sinh viên này được tự do làm việc về bất cứ lĩnh vực gì họ muốn mà không cần có những mục tiêu cụ thể. Việc có một nhóm những con người thông minh và tràn đầy sự háo hức cùng làm việc với nhau trong một môi trường đã tạo ra một bầu không khí đầy cảm hứng, ở đó các sinh viên thường thức tới khuya để làm những dự án của mình, cùng thử sức và trải nghiệm những ý tưởng.

Cách tiếp cận  đó là một thành công lớn: ngay cả một bậc tiền bối trong lĩnh vực internet cũng đã từng tham gia vào chương trình này.

7: Các nhà quản lý cần phải tin tưởng những người mình đã thuê và cho phép họ có thể đưa ra quyết định.

 Bạn đã bao giờ có một ông chủ độc tài, người mà không thể giao quyền kiểm soát một dự án cho nhân viên của mình? Một người luôn luôn theo sau kiểm tra bạn, xem xét tỉ mỉ mọi thứ và quản lý sát sao công việc của bạn? Có lẽ chính bạn cũng không muốn trở thành một ông chủ như vậy. Cách quản lý như vậy không chỉ gây khó chịu mà còn giới hạn khả năng độc lập của nhân viên, và có thể cản trở nghiêm trọng tính sáng tạo của họ, đó là còn chưa kể tới những ảnh hưởng đến tinh thần của họ.

 

Một cách làm đúng đắn hơn đó là hãy trao cho họ sự tự do để có thể tự đưa ra những quyết định cần thiết. Mỗi nhân viên đều là chuyên gia trong lĩnh vực của họ, vậy nên họ có xu hướng giải quyết một vài vấn đề nhất định tốt hơn những người quản lý – đó cũng là lý do ngay từ đầu họ được tuyển dụng!

Pixar đã có một ví dụ tuyệt vời về cách quản lý như vậy với nhóm “Braintrust”, đó là một nhóm những nhân viên và chuyên gia sản xuất phim lâu năm thuộc nhiều lĩnh vực, họ luôn nhìn nhận lại từng bộ phim trong suốt quá trình làm phim của Pixar.

Mặc dù họ có thể đưa ra bất kỳ ý kiến hay gợi ý nào họ muốn, những lời khuyên của họ là không ép buộc; đạo diễn phim luôn là người chịu trách nhiệm, nhưng những chuyên gia thực sự thì vẫn nắm quyền kiểm soát dự án và vẫn được thỏa sức bày tỏ những sáng kiến của họ.

Nhưng bởi vì nhân viên cần được tin tưởng để hoạt động độc lập, một điều quan trọng là mỗi thành viên mới cần có đủ sự giỏi giang để được giao phó trọng trách. Bạn có thể tin tưởng những người khôn ngoan với khả năng thực chất họ có thể cho ra kết quả tốt nhất và  nhanh chóng xử lý được những vấn đề phát sinh.

Có một điều thú vị là Catmull có một nguyên tắc chỉ tuyển những người mà ông cảm thấy là họ thông minh hơn mình. Ông tin rằng đó mới là những người đủ tự tin để sử dụng sáng kiến của họ một cách sáng tạo mà không cần phải giám sát họ.

Thực tế là, trong một vài trường hợp, ông thậm chí còn tuyển người thông minh và tài giỏi tới mức có thể làm luôn cả công việc của chính ông! Trong khi một số người e dè khi tuyển một người có khả năng sẽ thay thế mình trong tương lai, Catmull lại thấy là không có vấn đề gì, bởi điều đó đem lại những kết quả tuyệt vời nhất.

8: Không né tránh rủi ro hay thất bại, công việc của một nhà quản lý là khả năng đưa công ty đứng vững trở lại.

Có một vài công ty kém may mắn hơn những công ty khác. Và dù khó có thể làm gì khi gặp chuyện không may, vẫn có những cách để đảm bảo rằng các công ty không bị thiệt hại bởi sự thiếu may mắn đó.

 

Có một cách là hợp nhất những kỹ thuật để khắc phục vào trong kế hoạch kinh doanh thay vì chỉ tập trung vào ngăn chặn hoàn toàn thất bại. Pixar làm điều này bằng cách đánh giá cao quá trình lặp, ví dụ, họ chấp nhận rằng lỗi sai là một phần của quá trình và sẽ cố gắng loại bỏ với mỗi lần làm dự án mới. Trọng tâm của triết lý này là quan điểm cho rằng cả đội, chứ không phải một cá nhân, phải chịu trách nhiệm cho sự thất bại, do đó tất cả cùng làm việc để vượt qua thất bại.

Catmull chỉ ra nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất Công ty quái vật, bộ phim đầu tiên của Pixar được làm mà không có sự tham gia của vị đạo diễn kỳ cựu nhất. Tuy vậy, cả nhóm đã tiến hành làm bộ phim, liên tục tìm cách giải quyết vấn đề cho tới khi thực sự tìm ra cách.

Mặc dù đó là một công việc mệt mỏi và chán ngắt, nhưng họ đã không nghĩ tới chuyện chấm dứt dự án, thay vào đó họ đã chấp nhận những thất bại và cùng làm việc để vượt qua.

Hơn nữa, việc cho phép nhân viên có thể mắc sai sót ở những giai đoạn đầu của một dự án cho họ cơ hội được học hỏi từ những lỗi sai đó để làm tốt hơn ở lần sau. Thực tế là Pixar đã coi thất bại là một phần quan trọng của quá trình lặp.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực của những lỗi không thể tránh khỏi này, Pixar đã cho nhân viên của mình nhiều thời gian hơn để tìm hiểu và sửa chữa lỗi trong suốt quá trình triển khai làm phim. Bằng cách đó, họ có thể chắc chắn rằng việc khắc phục lỗi sai và làm lại khi đó tiết kiệm chi phí hơn là mắc lỗi ở giai đoạn thực sự sản xuất phim.

Phương pháp này hoàn toàn đúng theo một quan điểm rất thực tế là: suy cho cùng thì không có ai là hoàn hảo, và cách tốt nhất để ứng phó với những lỗi sai là rút ra bài học từ chúng.

9: Các công ty cần xem môi trường làm việc như là một công cụ để nuôi dưỡng tính sáng tạo.

 Hãy tưởng tượng bạn bước vào một tòa nhà khô cằn màu xám, nơi mà mỗi phòng đều giống y như nhau và hàng ngày bạn đều phải tuân thủ theo đúng lịch trình có sẵn. Bất kỳ ai cũng sẽ đồng ý rằng không gian làm việc như vậy buồn tẻ một cách ngột ngạt, thế nhưng rất nhiều công ty dường như lại quên mất điều này.

 

Kiến trúc và thiết kế bên trong nơi làm việc của công ty nên có tính khơi nguồn tính sáng tạo chứ không phải sự buồn chán. Thực tế là, thay đổi không khí có thể đơn giản được thực hiện bằng cách thay thế một chiếc bàn.

Trước kia ở Pixar, các cuộc họp thường được diễn ra tại một chiếc bàn dài hình chữ nhật và mỗi ghế ngồi có một thấm thẻ. Cách bố trí như vậy đã tạo ra một cảm giác không mong muốn của nghi thức và thứ bậc – những người ngồi ở giữa thì tham gia vào cuộc họp nhiều hơn trong khi những người ngồi ở góc thì có cảm giác bị ra rìa.

Bằng cách đơn giản là thay thế chiếc bàn cũ bằng một chiếc bàn vuông và bỏ đi những tấm thẻ, mọi người đều cảm thấy tự do hơn để tham dự cuộc họp và trình bày ý kiến của mình.

Ngoài ra, thiết kế nơi làm việc cũng cần xét tới cá tính của từng nhân viên. Khi Catmull lần đầu tới xưởng phim Disney sau khi nó được sáp nhập với Pixar, ông đã bị choáng bởi sự tù túng của không gian văn phòng, ở đó không hề có một chút bản sắc cá nhân nào ở bất kỳ bàn làm việc nào.

Với Catmull, không gian làm việc như vậy sẽ dẫn tới cảm giác chán ghét và điều đó hạn chế sự sáng tạo. Đó là lý do tại sao ở Pixar, nhân viên có thể kiểm soát không gian làm việc của họ – bất kỳ ai cũng có thể trang trí quanh chỗ ngồi của mình một cách tùy ý, dù có cầu kỳ đi chăng nữa, như là một cách thể hiện cá tính riêng.

Tóm lại, nhân viên không nên bị ép buộc vào một lịch trình cứng nhắc ngày này qua ngày khác. Thay vì thế, họ nên được tự do làm việc theo phong cách riêng của từng người. Một ví dụ có thể được thấy ở Phòng thiết bị của Pixar, nơi mà các kỹ sư và nhân viên phát triển kỹ thuật làm việc.

Mỗi tháng có hai ngày gọi là “ngày cho dự án cá nhân”, khi đó nhân viên có thể sử dụng mọi kỹ thuật sẵn có để thực hiện bất kỳ dự án nào hay xử lý bất cứ vấn đề nào mà cá nhân họ thấy hứng thú. Bằng cách cho họ thời gian và những sự hỗ trợ, Pixar chắc chắn rằng nhân viên của mình vừa có thể hạnh phúc và vừa có thể đưa ra những ý tưởng sáng tạo đem đến lợi ích cho công ty!

Tổng kết

Thông điệp chính của cuốn sách:

Sự thay đổi, tính không chắc chắn và kèm theo đó là sự bất ổn định là những điều không thể tránh khỏi và cũng vô cùng cần thiết cho một môi trường sáng tạo. Văn hóa công ty chỉ thực sự mang tính sáng tạo khi nó tập trung vào tạo nên một nhóm làm việc ăn ý, xây dựng niềm tin và nuôi dưỡng một môi trường như vậy.

 

Đừng biến những kế hoạch của bạn trở nên quá cứng nhắc.

Nếu kế hoạch của bạn là không gì thay đổi được thì bạn sẽ không thể điều chỉnh khi mà mọi chuyện diễn ra không như dự đoán của bạn.

Thay đổi nơi làm việc của bạn.

Nếu nơi làm việc của bạn tù túng và không hấp dẫn thì bạn sẽ rất dễ cảm thấy chán và không hứng thú làm việc, hãy tránh điều này bằng cách cá nhân hóa nó đi, biến nó thành không gian riêng của chính bạn.

Du Học Đồng Thịnh (Read Station)

Theo Blinkest.