Vượt Qua Bản Ngã – Ryan Holiday

Lần cập nhật gần nhất August 29th, 2020 – 10:44 am

“Vượt qua bản ngã”- chiến thắng kẻ thù lớn nhất của bản thân. Với hàng loạt câu chuyện có thật, trải dài trên đủ các lĩnh vực từ quân sự, thể thao đến kinh doanh, Ryan Holiday đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về sự nguy hiểm của bản ngã và việc làm sao để đánh bại nó.

Sau khi đọc xong, bạn có thể, như lời tác giả nói: “Bớt đầu tư vào việc tự kể những câu chuyện về sự đặc biệt của bản thân, bà nhờ đó sẽ được giải phóng để hoàn thành mục tiêu làm thay đổi thế giới mà bạn đã vạch ra.”

Review Vượt qua bản ngã (2)

CUỐN SÁCH MÀ NGƯỜI ĐANG THÀNH CÔNG, ĐANG THẤT BẠI HAY ĐANG TRONG HÀNH TRÌNH THEO ĐUỔI ƯỚC MƠ ĐỀU CẦN ĐỌC NÓ.

Trước khi quyết định mua một cuốn sách kỹ năng, phát triển bản thân thì mình đều rất quan tâm đến tác giả, thậm chí còn lên google tìm kiếm thông tin về tác giả đó. Điều đầu tiên khi biết về tác giả Ryan Holiday này là anh còn quá trẻ, sinh năm 1987 tức chỉ hơn mình vài tuổi. Cuốn sách có tên Ego Is The Enemy (tên tiếng việt “Vượt qua bản ngã”) nói về “bản ngã” hay là “cái tôi”. Một tác giả trẻ măng viết về khía niệm có vẻ thiên về triết học và chiêm nghiệm đã khiến mình phải đắn đo. Nhưng do thấy tác giả này được rất nhiều người khen ngợi và các cuốn sách trước đều bán chạy nên mình đã quyết định mua. Thật may khi cuối cùng cuốn sách đã không làm mình thất vọng, thậm chí thấy tiếc khi không tìm đọc được nó sớm hơn.

Văn phong của tác giả mạch lạc, dễ đọc, cuốn sách lại khá mỏng nên chỉ trong một, hai buổi tối là đọc xong. Thái độ của tác giả trong cuốn sách theo mình là khiêm tốn và gần gũi, không “hiếu thắng” hay “chủ quan” áp đặt như những tác giả viết sách kỹ năng khác nên càng đọc càng có thiện cảm.
Nội dung cuốn sách nói về những giai đoạn mà gần như bất cứ ai đều sẽ phải gặp trong cuộc đời mình. Từ giai đoạn là một người trẻ lao đầu theo khát vọng và đam mê, đến giai đoạn gục ngã và thất bại ê chề, rồi đến giai đoạn đạt được những thành công nhất định, được mọi người tung hô và công nhận. Trong bất kì giai đoạn nào, “cái tôi” luôn xuất hiện và trở thành kẻ ngáng đường vô cùng khó chịu và nguy hiểm.

1. Khi bắt đầu theo đuổi ước mơ.

Thời điểm này mỗi người như một con thiêu thân lao theo đam mê và khát vọng mà không biết rằng bản ngã đang âm thầm hủy hoại chính bản thân mình.

Đam mê và ước mơ rất đẹp, nhưng cũng chính vì quá đẹp nên đã khiến cho rất nhiều người mải chìm đắm trong nó mà quên đi các công việc cần làm ở thực tại. Trong thời điểm này bản ngã khiến mọi người xa rời thực tế, khiến đa số chỉ mải nói, nói, nói mà thực tế phải là làm, làm, làm. Một tác giả muốn viết nên cuốn sách best seller nhưng chỉ mải ngồi nghĩ ngợi và mộng tưởng trong khi thực tế phải ngồi cô đơn gõ chữ liên tục giữa bốn bức tường. Một người muốn xây dựng nên công ty thành công nhưng suốt ngày chỉ đi hội thảo nghe mấy diễn giả nổi tiếng, đi họp nhóm, rồi đi trình bày ý tưởng vĩ đại cho mọi người xung quanh trầm trồ nhưng thực tế là phải liên tục bắt tay vào làm những thứ vụn vặn, nhỏ bé để xây dựng nên công ty, rồi liên tục thất bại, liên tục thay đổi.

Tại sao bản ngã lại nguy hiểm ở đây? Bởi vì nó đang thuyết phục bạn là “người đặc biệt”, bạn là “kẻ khác biệt trong số đông”. Bản ngã thuyết phục bạn rằng tất cả những lời khuyên từ người thân, thầy cô, bạn bè đều không thể áp dụng được cho bạn, bởi họ không sống trong thế giới của bạn, họ không hiểu bạn, họ “chỉ là” số đông mà thôi. Và cứ thế bạn đắm chìm trong giấc mộng riêng của mình. Cho đến khi, bạn gặp thất bại to lớn khiến bạn buộc phải tình mộng. Nhưng điều đáng sợ là, ngay cả lúc bạn thất bại, bản ngã vẫn không buông tha bạn.

2. Khi bạn thất bại.

Ngay khi bạn thất bại, bản ngã sẽ lập tức phóng đại nỗi đau của bạn lên ( rằng cuộc đời bạn kết thúc, rằng tương lai bạn đã hết, rằng bạn không còn cơ hội quay đầu, rằng danh dự và vị thế của bạn đã sụp đổ hoàn toàn…) sau đó bản ngã hướng bạn đến những hành động và suy nghĩ tiêu cực (đổ lỗi cho người khác, bất mãn, cáu kỉnh, tìm cách trả thù,…) và cuối cùng cuộc sống bạn sẽ sụp đổ, bạn sẽ không thể gượng dậy được nữa.

Nhưng nếu để bản ngã sang một bên và nhìn một cách sáng suốt thì thất bại của bạn là điều rất bình thường. Có ai trong đời mà không bao giờ gặp thất bại, bạn gặp thất bại chỉ đơn giản là năng lực của bạn hạn chế, đó cũng như một lời cảnh báo sớm về giới hạn hiện tại của bạn. Vậy mỗi khi gặp thất bại thì bạn đối mặt với nó kiểu gì? Rất đơn giản, bạn học hỏi từ nó để cải thiện bản thân rồi để nó ở lại đấy và đi tiếp thôi, không cần phải đối mặt nữa.

P/s: Trong phần này tác giả có nêu ra một ví dụ có thật rất hay, đó là một người bị vào tù nhưng đã vượt qua được bản ngã như thế nào.

3. Khi bạn thành công.

Dù trước đó bạn có làm việc gì, nhưng nếu bạn đã đạt được một số thành công nhất định thì chắc chắn bạn đã làm được nhiều việc đúng. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm bạn chạm tay được một chút thành công, bản ngã sẽ lại xuất hiện và âm thầm hủy hoại bạn.

Bản ngã sẽ biến bạn trở thành con người bảo thủ và hoang tưởng về thành công của mình. Bản ngã nói rằng bạn đã làm được rất nhiều việc đúng để đạt được thành công như hiện tại, có nghĩa bạn cũng sẽ tiếp tục làm được nhiều việc đúng như thế nữa để tiếp tục thành công trong tương lai. Những lời khuyên và góp ý của mọi người xung quanh trở nên vô nghĩa. Khi đó lời nói và quan điểm của bạn mới là chân lý, bởi vì sao, vì bạn đã thành công nên bản ngã sẽ tiêm nhiễm rằng bạn sẽ luôn đúng. Và khi đó, bạn đã không thể học hỏi thêm được bất kì điều gì mới cũng như sẽ mù quáng với sai lầm của mình. Mọi cuộc tranh luận bạn tham gia cả trên mạng và ngoài đời không còn vì mục đích tìm tòi ra sự thật khách quan mà chỉ là chăm chăm bảo vệ quan điểm chủ quan của bản thân bạn.

Nhiều người trước đó là một người học trò, tràn đầy nhiệt huyết, luôn cầu tiến, học hỏi nhưng chỉ thành công một chút đã bị bản ngã biến thành kẻ tự tin lệch lạc, tham danh hám lợi, lơ là nền tảng và hao mòn sức lực.
———-
Cuối cùng thì bản ngã luôn là kẻ thù trên mọi bước đi của bạn. Điều đáng sợ của kẻ thù này là nó không thể bị tiêu diệt, nó luôn tồn tại cùng bạn, bạn càng thành công thì nó càng mạnh mẽ. Cuộc chiến của nó và bạn là một cuộc chiến vô hình, diễn ra trong tâm trí, hàng ngày hàng giờ, chỉ cần lơ là nó sẽ chiếm được tâm trí bạn và gây ra hậu quả khôn lường.

– Hà Duy Quang

Vượt qua bản ngã – Chiến thắng kẻ thù lớn nhất của bạn (Ryan Holiday)

Có thể bạn còn trẻ và tràn đầy hoài bão. Có thể bạn còn trẻ và đang đấu tranh. Có thể bạn vừa kiếm được vài triệu dola đầu tiên, ký kết thành công hợp đồng đầu tiên, gia nhập một tập đoàn hàng đầu nào đó, hoặc có thể bạn đã kiếm đủ tiền để sống dư dả đến cuối đời. Có thể bạn thấy choáng ngợp trước cảm giác trống trải khi đứng trên đỉnh vinh quang. Có thể bạn phải gánh vác nhiệm vụ giúp đỡ những người qua cơn khủng hoảng. Có thể bạn vừa bị đuổi việc. Có thể bạn vừa rơi tuột xuống đáy.

Dù bạn đang ở đâu và làm gì thì kẻ thù tồi tệ nhất vẫn đang tồn tại trong bạn: cái tôi của bạn.

Bạn nghĩ rằng “Không phải tôi”, “Chưa từng có ai nói tôi là kẻ ích kỷ”. Có thể bạn luôn cho rằng bản thân mình là một người biết cân bằng cuộc sống. Nhưng với những người có tham vọng, tài năng, nghị lực và tiềm năng, bản ngã luôn song hành cùng giới hạn. Dù là nhà tư tưởng, người lao động, kẻ sáng tạo hay các doanh nhân, thứ khiến chúng ta kỳ vọng nhiều nhất lại chính là thứ tấn công vào góc tối tâm hồn chúng ta.

Cuốn sách này nói về bản ngã. Bản ngã là niềm tin mù quáng vào tầm quan trọng của bản thân. Nó là một đứa trẻ nóng nảy tồn tại trong mỗi người, là kẻ sống bất chấp theo cách mình muốn. Nhu cầu được tốt hơn, có nhiều hơn, được công nhận vượt qua mọi lợi ích hợp lý – đó là bản ngã. Đó là cảm giác vượt trội và chắc chắn vượt xa mọi ranh giới của sự tự tin và tài năng.

Bản ngã là kẻ thù của những điều bạn muốn và những gì bạn có. Của việc làm chủ một ngón nghề. Của cái nhìn soi tỏ thực tế. Của sự hòa đồng với người khác. Của việc xây dựng lòng trung thành và tương trợ. Của tuổi thọ. Của việc gìn giữ và phát huy thành công. Bản ngã đẩy lùi những thuận lợi và cơ hội. Bản ngã là thỏi nam châm thu hút những rắc rối và mâu thuẫn.

Đại đa số chúng ta đều không phải là “người ích kỷ”, nhưng bản ngã luôn có mặt trong gốc rễ của hầu hết mọi khó khăn và chướng ngại tiềm ẩn, từ lý do tại sao chúng ta không thể thắng đến lý do tại sao chúng ta luôn phải thắng và thắng bằng mọi giá. Từ lý do chúng ta không có thứ mình muốn cho tới lý do tại sao việc sở hữu nó chẳng khiến chúng ta vui hơn.

Chúng ta ít khi nhìn nhận theo cách này. Chúng ta thường vin vào thứ gì đó (thường là người khác) để đổ lỗi cho tất cả những rắc rối của mình. Như nhà thơ Lucretius đã nói cách đây vài nghìn năm, chúng ta là “kẻ bệnh hoạn ngờ nghệch, không hiểu rõ căn nguyên bệnh tình của mình.”

Giám đốc điều hành tiên phong Harold Geneen đã so sánh tính vị kỷ với chứng nghiện rượu: “Kẻ vị kỷ không đi loạng choạng, không đá văng mọi thứ tứ tung. Anh ta không lắp bắp, cũng không nói lẩn thẩn. Không hề. Thay vào đó, anh ta trở nên ngày càng kiêu ngạo hơn, và một số người không biết điều gì ẩn sau thái độ đó, đã ngộ nhận cái ngạo mạn của mình là sức mạnh và sự tự tin.” Nói cách khác, họ bắt đầu ngộ nhận về chính mình. Họ không nhận ra căn bệnh mình bị nhiễm hay sự thật là họ đang tự kết liễu mình với bản ngã.

[…]

Chúng ta không thể cải thiện thế giới nếu không hiểu gì về nó cũng như chính mình. Chúng ta không thể tiếp nhận phản hồi nếu ta không thể hoặc không buồn nghe những ý kiến bên ngoài. Chúng ta không thể nhận diện cơ hội – hoặc tạo ra cơ hội – nếu không nhìn thấy điều gì đang hiện hữu trước mắt, thay vào đó sống trong ảo mộng của chính mình. Nếu không định lượng chính xác năng lực bản thân so với người khác, thứ chúng ta có chỉ là ảo tưởng thay vì tự tin.

Nghệ sĩ trình diễn Marina Abramovic từng thẳng thắn chia sẻ: “Khi bạn bắt đầu tin vào sự vĩ đại của bản thân, đó là lúc sự sáng tạo của bạn đã chết.”
Bản ngã luôn có mặt ở đó. Nó ngày càng táo bạo hơn.

Nền văn hóa của chúng ta đang thổi bùng ngọn lửa bản ngã hơn bao giờ hết. Không gì dễ dàng hơn việc tự thổi phồng bản thân. Chúng ta có thể khoác lác về mục tiêu kiếm được hàng triệu đôla với những người theo dõi và hâm mộ ta – những điều tưởng chỉ có ở các ngôi sao nhạc rock hay các lãnh đạo giáo phái. Chúng ta có thể theo dõi và tương tác với thần tượng của mình trên Twitter, có thể đọc sách, lướt mạng và xem các bài nói chuyện TED talk, uống cạn từng dòng cảm hứng như chưa từng được uống (có hẳn một ứng dụng cho nó). Chúng ta có thể tự xưng là giám đốc điều hành của một công ty chỉ-tồn-tại-trên-giấy-tờ. Chúng ta có thể công bố tin tức trên các phương tiện xã hội và nhận những lời chúc tụng. Chúng ta có thể xuất bản những bài báo về chính mình trên các kênh truyền thông từng là nguồn báo chí khách quan.

Một số người làm việc này thường xuyên hơn những người khác, nhưng đó chỉ là vấn đề về cấp độ.

Không chỉ dừng lại ở mặt công nghệ, chúng ta còn được nhắc nhở rằng phải tin vào sự khác biệt của bản thân. Chúng ta được khuyên bảo rằng phải nghĩ lớn, sống vĩ đại và “có lòng can đảm phi thường.” Chúng ta nghĩ rằng thành công đòi hỏi một tầm nhìn táo bạo hoặc một kế hoạch càn quét nào đó – sau tất cả đó là thứ mà những nhà sáng lập công ty này hoặc đội vô địch kia phải có. Chúng ta thấy dáng điệu của những kẻ nghênh ngang đón nhận hiểm nguy và những người thành công trên các phương tiện truyền thông, rồi háo hức chờ đợi thành công của chính mình, cố gắng chuẩn bị thái độ và điệu bộ đúng mực cho bản thân.

Bạn ở đâu, bản ngã ở đó.

Trong bất cứ thời điểm nào của cuộc sống, bất kỳ ai cũng thấy mình ở một trong ba giai đoạn. Chúng ta khao khát một thứ gì đó – cố gắng tạo một điểm nhấn trong vũ trụ. Chúng ta gặt hái thành công – dù ít hay nhiều. Hoặc thứ ba, chúng ta thất bại – vài lần hay liên tiếp. Đại đa số chúng ta đều nằm trong ba giai đoạn này theo một dòng chảy – chúng ta khát khao cho tới khi thành công, chúng ta thành công cho tới khi thất bại hay tới khi chúng ta thấy háo hức với một thứ gì đó khác, rồi chúng ta thất bại và lại một lần nữa, chúng ta lại bắt đầu khát vọng hay gặt hái thành công.

Bản ngã là kẻ thù trên mỗi bước đi của chặng đường này.

Trong giai đoạn khát vọng, bản ngã khiến chúng ta ảo tưởng và ngăn chúng ta tiếp nhận phản hồi, thứ không thể thiếu để phát triển và trưởng thành.

Trong giai đoạn thành công, bản ngã đe dọa thứ mà chúng ta vừa gây dựng nên. Bản ngã nhồi nhét vào đầu óc chúng ta sự phân tâm, tự tin lệch lạc và tham danh hám lợi, khiến chúng ta lơ là nền tảng và hao mòn sức lực.

Trong giai đoạn thất bại, bản ngã khiến chúng ta mất khả năng học hỏi từ sai lầm và từ việc nhìn nhận khách quan hành động của mình.

Mục đích của cuốn sách này đơn giản chỉ là giúp bạn chế ngự bản ngã trước khi bị những thói quen xấu chi phối, để thay thế những cám dỗ của bản ngã bằng sự khiêm nhường và kỷ luật mỗi khi chúng ta thành công cũng như trau dồi sức mạnh và nghị lực để khi số phận đổi hướng, chúng ta sẽ không gục ngã.

– Mai Hoàng Ngọc Anh

Trích dẫn Vượt qua bản ngã

“Tiểu thuyết gia Anne Lamott từng miêu tả rất rõ về bản ngã.

Chiếc loa bên phải của nội tâm bạn sẽ phát ra một dòng suy tưởng không ngừng thêu dệt về bản thân, kể lể về sự đặc biệt của mình, một người vô cùng cởi mở, tài năng, thông minh, hiểu biết, khiêm nhường và bị hiểu lầm. Chiếc loa bên trái lại phát ra những bản nhạc rap tự hạ nhục chính mình, với danh sách những điều bạn làm chưa tốt, về tất cả những lỗi lầm bạn gây ra hôm nay cũng như trong toàn bộ cuộc đời, sự nghi ngờ, sự quả quyết rằng mọi thứ bạn đụng đến đều hỏng bét, rằng bạn chẳng biết giữ mối quan hệ, rằng bạn là kẻ xảo trá về mọi mặt, thiếu tình yêu và sự vị tha, là kẻ bất tài, thiển cận…

Bất cứ ai – đặc biệt là những người tham vọng – cũng có thể bị cuốn vào câu chuyện này, cả nghĩa tốt lẫn xấu. rất tự nhiên khi những người trẻ tham vọng (hay có thể là người có tham vọng non nớt) dễ bị kích động và bị cuốn vào dòng suy nghĩ cũng như cảm xúc của họ. Đặc biệt trong một thế giới mà chúng ta được dạy rằng phải giữ gìn và phát triển “thương hiệu cá nhân”. Chúng ta buộc phải kể những câu chuyện để rao bán sản phẩm và tài năng của mình, và sau một thời gian đủ dài, chúng ta đã quên mất ranh giới giữa câu chuyện hư cấu và đời thực.

Cuối cùng, nó sẽ nuốt chửng chúng ta. Hoặc nó sẽ là bức tường ngăn cách chúng ta với những thông tin cần thiết để thực hiện công việc.”