Y Học Dinh Dưỡng: Những Điều Bác Sĩ Không Nói Với Bạn – Bác sĩ Ray D. Strand

Tuy là một bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm, nhưng bác sĩ Ray Strand đã phải bó tay chứng kiến người vợ bị những cơn đau mãn tính hành hạ. Từ đó ông đã đồng ý thử chế độ bổ sung dinh dưỡng mà một người hàng xóm đề nghị. Thật ngạc nhiên, tình trạng của vợ ông bắt đầu cải thiện gần như ngay lập tức. Bước ngoặt đáng kinh ngạc đó đã khiến ông cống hiến hết mình để nghiên cứu các liệu pháp thay thế trong y học, đặc biệt là trong lĩnh vực bổ sung dinh dưỡng.

Những kiến thức mà bác sĩ Strand đưa ra về kẻ thù thầm lặng của cơ thể – sự căng thẳng oxy hóa – sẽ làm bạn kinh ngạc. Nhưng, quan trọng hơn, nghiên cứu của ông sẽ trang bị cho bạn kiến thức dinh dưỡng để bảo vệ hoặc lấy lại sức khỏe của mình, đẩy lùi cũng như ngăn ngừa bệnh tật.

Review Y học dinh dưỡng

Cơ thể chúng ta là một cỗ máy cực kỳ tinh vi và phức tạp được vận hành tự động nằm ngoài ý thức con người. Nhưng hàng ngày cỗ máy này vẫn có 2% hỏng hóc diễn ra liên tục ở phần lớn các bộ phận. Trong khi hệ miễn dịch có nhiệm vụ chống trả mầm bệnh từ ngoài vào, cơ thể có một cơ chế tự sửa chữa 2% hỏng hóc xảy ra từ bên trong. Nhưng chúng ta vẫn sinh-lão-bệnh-tử. Vì sao vậy?

Khi ta hít vào oxy đi vào phổi qua phế nang phổi để vào máu. Trong máu oxy được hemoglobin mang đến các tế bào khắp cơ thể và nhận khí carbon dioxide được thải ra từ các quá trình chuyển hóa đưa về lại phổi để thải ra ngoài khi ta thở ra. Hemoglobin giải phóng oxy để nó đi đến từng tế bào cung cấp năng lượng cho sự sống thông qua quá trình trao đổi chất gọi là quá trình oxy hóa. Quá trình oxy hóa tại các tế bào không phải luôn suôn sẻ mà thỉnh thoảng gặp “trục trặc” (tỷ lệ 2%) làm sản sinh các gốc tự do. Các gốc tự do này sẽ gây tổn thương cho màng tế bào, thành mạch, protein, chất béo và thậm chí cả hạt nhân DNA của tế bào. Hậu quả này được gọi là sự căng thẳng oxy hoá, một kẻ thù thầm lặng. Bộ phận nào của cơ thể sản sinh nhiều gốc tự do sẽ dần dần bị thoái hoá gây ra các căn bệnh thoái hoá mạn tính (mắt : đục thuỷ tinh thể; mạch máu: đau tim hoặc đột quỵ; khớp : viêm khớp, loãng xương; não: lão hóa, Alzheimer hoặc Parkinson, ung thư; phổi: phổi tắc nghẽn mạng tính (COPD), u xơ nang; tuỵ: tiểu đường; … ). Nguyên nhân khách quan tạo ra các gốc tự do còn do tập luyện thể thao quá mức, căng thẳng quá mức, ô nhiễm không khí, khói thuốc lá, ô nhiễm thực phẩm và nguồn nước, tia cực tím, thuốc và xạ trị.

Để bảo vệ cơ thể trước nguy cơ này, cơ thể sản sinh ra các chất chống oxy hóa, tìm và trung hòa các gốc tự do này. Nhưng (giá như không có cái “nhưng” này thì cuộc đời tốt đẹp hơn biết bao !) hệ thống phòng thủ chống oxy hóa tự nhiên của chúng ta không sản sinh đủ các chất chống oxy hoá. Do đó chúng ta phải “chi viện” thêm các chất này từ việc bổ sung dưỡng chất từ thực phẩm cho cơ thể thông qua ăn uống. Từ xa xưa khi y học chưa biết được điều này con người vẫn ăn uống vì nhu cầu bản năng và vô thức thực hiện điều này. Nhưng chính vì vô thức con người thường ăn những gì họ có hay thích chứ chưa ý thức được rằng nên ăn đầy đủ dưỡng chất cho nhu cầu của cơ thể. Do đó cơ thể vẫn không trung hoà triệt để hết các gốc tự do này. Cụ thể ở đây là bổ sung thêm các chất chống oxy hoá. Đây chính là y học dinh dưỡng.

Theo tác giả, những chất chống oxy hoá chính là: vitamin C, E, A, beta-carotene, lutein, lycopene selen, glutathione, bioflavanoid, coenzyme Q10, … Ngoài ra cơ thể cần bổ sung các dưỡng chất hỗ trợ cho chất chống oxy hoá như vitamin B1,2,3,5,6,12 .., Các khoáng chất tổng hợp (canxi, magie, kẽm, iốt, vi lượng, …).

Hầu hết các chất này có từ thực phẩm, rau, trái cây, ngũ cốc, các loại hạt,… Vậy bổ sung dưỡng chất như thế nào là tối ưu? Có cần bổ sung thêm các loại vitamin tổng hợp hay thực phẩm chức năng ? Ta cần tham khảo bác sỹ về dinh dưỡng tư vấn cho từng trường hợp riêng biệt tuỳ theo thể trạng mỗi người.

Cơ thể chúng ta khác máy móc là cho đến nay hầu hết các bộ phận bị hỏng hóc hay lão hoá hầu vẫn không thể “thay mới”. Nên chúng ta phải có kế hoạch “bảo trì” “bảo dưỡng” định kỳ thường xuyên để làm chậm lại quá trình lão hoá diễn ra nhanh hay chậm. Điều này còn tùy thuộc chúng ta … “xài hao” hay không. Chúng ta phải chấp nhận một thực tế không mong muốn là chúng ta đang già đi hay nói cách khác cơ thể đang từ từ lão hoá hàng ngày. Và các bộ phận bị lão hoá sẽ gặp trục trặc trong vận hành dẫn đến bệnh. Chúng ta đang mất dần sức khoẻ mỗi ngày. Ta chỉ có thể cố gắng duy trì kéo dài cái sức khoẻ của hôm nay chứ không thể lấy lại cái sung sức, cái phong độ của ngày hôm qua. Để duy trì sức khoẻ phải làm sao? Rèn luyện thể dục thể thao hàng ngày, ăn uống lành mạnh với thực phẩm sạch, ngủ đủ giấc và giảm stress cũng như lao lực, duy trì và cải thiện hệ miễn dịch và cuối cùng là bổ sung dưỡng chất như trình bày ở trên. Quan trọng là duy trì sống khỏe sống vui lâu nhất có thể ở cõi tạm này.

– Nguyen Bao Quoc